Đội quân chủ lực đầu tiên ra đời, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ năm, 10/10/2024 - 14:23

Trên cơ sở Cứu quốc quân và các đội du kích, tự vệ chiến đấu phát triển ở các chiến khu Cao - Bắc - Lạng, Hà – Tuyên - Thái, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương thành lập Đội quân giải phóng nhằm tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. 

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại núi Dền Sinh dãy Khau Giáng thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám (châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Quang cảnh Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể đọc tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc: “Các đồng chí! Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Ðoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh, núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Ðạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, để khai hội thành lập Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân... Quân giải phóng là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm của chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi... Tôi xin tuyên bố: Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu...”.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự, quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng, hết dạ phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỷ luật cao của một đội quân cách mạng. Mười lời thề của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã trở thành Lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Khi mới ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo; trong đó có 4 người dân tộc Kinh, 20 người là dân tộc Tày, 8 người là dân tộc Nùng, 1 người dân tộc Mông, 1 người dân tộc Dao Tiền, có 28 người quê ở Cao Bằng, 2 người quê ở Quảng Bình, 1 người quê ở Lạng Sơn, 2 người quê ở Thái Nguyên, 1 người quê ở Thái Bình. 34 đội viên là những đồng chí trung kiên nhất của các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng, một số trong đội quân Nam tiến, một số trong Cứu quốc quân, có người đã đi học quân sự ở nước ngoài về. Vũ khí trang bị cho Đội có 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp. Hai ngày trước lễ thành lập có một số vũ khí gồm 1 súng tiểu liên do Mỹ sản xuất, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp nổ do ông bà Tống Minh Phương và anh em Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng. Đội có 500 đồng chi phí quân nhu.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không chỉ làm nhiệm vụ chiến đấu, mà còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giác ngộ, đi theo cách mạng. Đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác của Đảng, của cách mạng và nhân dân. Bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự phát triển của cách mạng Việt Nam phải đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Lực lượng tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng bao gồm: Lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Với tư tưởng đó, trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”.

Ra đời và hoạt động với phương châm “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “chính trị trọng hơn quân sự”, song điều đó không có nghĩa là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ làm công tác tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, mà còn là đội quân chủ lực, vừa đánh giặc, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân; dìu dắt, giúp đỡ các đội vũ trang của các châu, huyện, xã về huấn luyện, vũ khí, trang bị, giúp các đội vũ trang ấy ra đời và mau chóng phát triển. Đội gắn hoạt động quân sự với chính trị, vũ trang với tuyên truyền, tham gia vận động quần chúng, tổ chức hội Việt Minh ở những nơi Đội hoạt động, công tác.

Như vậy, sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22/12/1944 là yêu cầu đòi hỏi tất yếu của lịch sử, thể hiện rõ nét sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt, đặc biệt là vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin “Quân đội có trước chính quyền” vào hoàn cảnh thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Từ đây đã thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, tạo bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam.

BAN BIÊN TẬP