Quân dân Hải Phòng chiến đấu bảo vệ thành phố tháng 11 năm 1946
Thứ hai, 07/10/2024 - 09:07
Hải Phòng là thành phố có cảng lớn nhất miền Bắc, cửa ngõ của đồng bằng Bắc Bộ nhìn ra biển Đông, là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa ngõ giao thông quốc tế, Hải Phòng có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng.
Sau Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, nên ngay từ khi đổ bộ lên bờ, Pháp đã bộc lộ âm mưu đánh chiếm Hải Phòng để làm bàn đạp thực hiện dã tâm chiếm miền Bắc, thôn tính Việt Nam. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng đã chiếm được các vị trí quan trọng như nhà máy chai, nhà máy bát, nhà máy phốt phát, nhà máy nước…
Tháng 10 năm 1946, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, địch đã lập xong kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng. Lúc này, tổng số quân Pháp ở Hải Phòng có trên 3.000 tên, trong đó có Trung đoàn bộ binh Lê Dương số 3 (thiếu một tiểu đoàn), Trung đoàn Pháo binh thuộc địa Marốc số 4, Trung đoàn Thiết giáp, cùng bộ phận hải quân và không quân. Chúng liên tiếp gây nên những vụ việc nghiêm trọng hòng tạo cớ để nổ súng đánh chiếm toàn bộ Hải Phòng.
Trong khi ta cố nhân nhượng, kìm chế để kéo dài thời gian hòa hoãn theo Chỉ thị của Trung ương và tinh thần Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 tháng 3 thì địch càng lấn tới, cố tình khiêu khích, tìm cớ tấn công hòng xâm lược nước ta lần nữa. Liên tiếp trong các ngày 16, 17, 18 và 19 tháng 11, tình hình diễn ra hết sức căng thẳng, xong hình thái địch và ta cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi.
Tàu chiến Pháp tấn công Hải Phòng ngày 20/11/1946.
Ngày 20 tháng 11 năm 1946, tướng Va-Luy, Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương ra lệnh cho Moóc-li-e “thiết lập quyền kiểm soát thuế quan ở cảng Hải Phòng”. Đến 9 giờ, trong khi Ủy ban Liên kiểm hai bên đang cố gắng dàn xếp thì địch cho đại đội có 3 xe tăng yểm trợ, chia thành nhiều mũi bao vây các vị trí: Bưu điện nha đốc lý, kho bạc, sở cảnh sát Trung ương buộc ta phải giao lại các vị trí cho chúng, nếu không chúng sẽ tiến công tiêu diệt.
10 giờ 30 phút, trước tình hình khẩn trương, Ủy ban Bảo vệ thành phố phát lệnh “Chuẩn bị chiến đấu”. Được lệnh các đơn vị của ta ở các vị trí lập tức triển khai đội hình chiến đấu và nổ súng đối phó quân địch. Nhân dân cũng hăng hái xông ra đường chặt cây, dựng chiến lũy, thiết lập hệ thống chướng ngại vật, bãi mìn…
12 giờ, địch huy động Tiểu đoàn 2, Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 23 và 2 tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa Marốc gồm 6 xe tăng, 7 xe thiết giáp, chở lính từ bến cảng đến bao vây toàn bộ khu trung tâm thành phố gồm: Nhà hát lớn, nhà máy nước, nhà máy đèn nhằm cô lập các vị trí này với bên ngoài.
Lực lượng ta bảo vệ Nhà hát lớn có 17 chiến sĩ thuộc Đại đội 2 (Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 41) do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy, vũ khí có 1 tiểu liên, 16 súng trường, lựu đạn và chai cháy. So sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, song tinh thần chiến đấu của ta rất cao, các chiến sĩ ta đều quyết tâm “thà chết không rời vị trí”. Ở những vị trí khác trong thành phố, cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt, ta vẫn cố thủ các vị trí bưu điện, ngân hàng, kho bạc, sở cảnh sát Trung ương, sở hải quan.
Ngày 25 tháng 11 năm 1946, sau 5 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, quyết liệt, địch phải trả giá đắt mới chiếm được một số vị trí trung tâm thành phố.
Do bị mất trại bảo an binh, phố Ga và phố Tám Gian, trụ sở Ủy ban Bảo vệ thành phố và tuyến phòng ngự trung tâm bị uy hiếp, Ủy ban thành phố ra lệnh điều khẩu 37mm từ Kiến An sang chi viện và điều các khẩu 12,7mm đến chốt ở ngã tư Hồ Sen, điều gấp Đại đội Ký Con chốt chặn đường Tô Hiệu, ngã tư An Dương. Trong đêm, ta tổ chức pháo kích quấy rối địch ở Nhà hát lớn, nhà ga; tổ chức di chuyển cơ quan về Kiến An, núi Voi và đưa dân tản cư về hậu phương.
6 giờ 30 ngày 26 tháng 11 năm 1946, địch cho máy bay ném bom bắn phá các làng xung quanh Cát Bi; 7 giờ 40 phút, 4 máy bay thả dù 60 tên xuống chiếm sân bay.
Về phía ta, qua 7 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, tương quan lực lượng quá chênh lệch, lực lượng bị giảm sút, việc tiếp tục duy trì chiến đấu trong thành phố là khó khăn. Bởi vậy, ta chủ trương rút ra tổ chức phòng ngự ngăn chặn địch từ Cầu Rào đến cầu Niệm, tiền duyên phòng ngự từ Dư Hàng, Trại Cau, Hàng Kênh, An Dương, cầu Niệm, vừa để củng cố lực lượng, vừa giữ phía sau lưng nối với hậu phương.
Kết quả, địch bị tiêu diệt 137 tên, bị thương 27 tên. Quân ta thu 2 trung liên, 5 tiểu liên, 10 súng trường, 56 lựu đạn, phá hủy 1 xe tăng, bị hy sinh 32 đồng chí, bị thương 15 đồng chí.
7 ngày đêm chiến đấu ác liệt và ngoan cường của quân dân thành phố Hải Phòng đã đánh bại âm mưu “đánh mau, thắng mau” của Pháp nhằm tiêu diệt chính quyền và lực lượng quân sự non trẻ của ta, tái chiếm Hải Phòng, tạo đầu cầu mở rộng cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố có ý nghĩa rất quan trọng là bảo vệ được Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân tản cư, giữ gìn và phát triển lực lượng cả về số và chất lượng chiến đấu, bảo toàn lực lượng vũ trang non trẻ để làm nòng cốt phát triển lực lượng ngày càng mạnh mẽ.
THANH NGUYỄN (tổng hợp)