Vượt mọi gian khổ, hy sinh, cùng toàn dân hiện thực hóa khát vọng thống nhất nước nhà

Thứ ba, 12/11/2024 - 07:37

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam: Miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã một lòng đoàn kết, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm thực hiện bằng được “mệnh lệnh thiêng liêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đưa non sông về một mối.

Ở miền Nam, trong những năm 1954 - 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (01/1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Quân đội. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Theo đó, Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Được cố vấn Mỹ chỉ huy và dựa vào hỏa lực Mỹ chi viện, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Ngày 05/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã sử dụng không quân bất ngờ mở cuộc tiến công đánh phá vào hầu hết các căn cứ của hải quân ta trên suốt dải ven biển miền Bắc. Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ của ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu đánh thắng không quân Mỹ. Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, đồng thời củng cố và tăng cường quân ngụy. Trước tình hình đó, từ tháng 9 đến tháng 12/1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và Đoàn pháo binh 69. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”. Đặc biệt, ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân ta đã tiến công vào hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong các đô thị trên toàn miền Nam, gây cho địch thiệt hại rất nặng nề, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Bộ đội chủ lực trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu.

Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, những năm 1969 - 1972, đế quốc Mỹ sử dụng tối đa về sức mạnh quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao hết sức xảo quyệt, hòng cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, giành được những thắng lợi to lớn. Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, năm 1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở hai cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973), rút quân về nước.

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Quân đoàn 3 (3/1975) và Đoàn 232 (02/1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân đội ta đã mở 3 chiến dịch lớn là: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30/4/1975, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ đây, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

BAN BIÊN TẬP