Bộ Quốc phòng: Tọa đàm xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Nam Định
Thứ sáu, 14/02/2025 - 15:02
Sáng 14/2, tại Bộ CHQS tỉnh Nam Định, đoàn công tác số 3 của Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tổ chức tọa đàm, khảo sát xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC). Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp); lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nam Định.
Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó tư lệnh Quân khu phát biểu kết luật tọa đàm
Theo đó, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp gồm 6 chương, 42 điều. Tham gia thảo luận vào dự thảo luật, các đại biểu đều nhất trí tính cấp thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, đồng thời làm rõ về bố cục, nội dung của dự thảo luật. Các đại biểu cũng đề cập về sự hạn chế, bất cập; giải pháp khắc phục, kiến nghị các vấn đề cần đưa vào dự thảo luật; các biện pháp ứng phó trước, trong, sau TTKC; phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong thi hành TTKC; những bất cập, giải pháp khắc phục, kiến nghị các vấn đề cần đưa vào luật...
Các đại biểu cũng tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị các vấn đề cần đưa vào dự thảo luật, đề nghị các Bộ, ngành trung ương cần tiếp tục rà soát, kịp thời trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành Luật TTKC thay thế Pháp lệnh TTKC để bảo đảm các quy định về vấn đề này phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo và khoảng trống pháp lý, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn về TTKC. Có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng làm nhiệm vụ trong TTKC; chính sách, chế độ ưu đãi đối với lực lượng trực tiếp và cá nhân, tổ chức được huy động làm nhiệm vụ trong TTKC.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó tư lệnh Quân khu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết, cần ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Vừa qua, việc tổ chức thực hiện pháp lệnh về TTKC còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thể hiện rõ qua công tác chống dịch COVID-19 và bão số 3 (bão Yagi). Việc ban bố Luật TTKC sẽ tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp; góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các ý kiến đóng góp của tỉnh Nam Định vào dự thảo luật, đoàn công tác sẽ tổng hợp, trình Ban soạn thảo Luật TTKC Bộ Quốc phòng nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.
Đặng Vĩnh