Cây đa La Tiến- “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Thứ hai, 18/03/2024 - 21:23

Cây đa La Tiến ở xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên là nơi từng ghi dấu chiến công tiêu biểu của quân và dân tỉnh Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày nay, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta.

Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hưng Yên ghi rõ: “Trong hai ngày 22 và 23-12-1949, thực dân Pháp đánh chiếm ồ ạt các vị trí trọng yếu trên đường 39A, 39B, ven sông Hồng, sông Luộc để bao vây kháng chiến. Huyện Phù Cừ nằm trong trọng điểm của chiến dịch càn quét lớn của địch. Ngày 24-12-1949, cánh quân đường thủy của địch từ thị xã Hưng Yên sử dụng ca nô, tàu chiến đổ bộ lên thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, chiếm đóng vị trí quan trọng này, án ngữ con đường huyết mạch di chuyển của lực lượng kháng chiến và bộ đội chủ lực ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”.

Cây đa La Tiến.

Ngay từ buổi đầu chiếm đóng và lập bốt tại La Tiến, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo, người dân La Tiến phải đối mặt trực tiếp với quân thù, chịu đựng bao đau thương, mất mát. Người tàn tật, già yếu không kịp chạy tản cư bị chúng ném xuống sông Luộc. Một số nữ du kích tham gia công tác giao liên địch vận, không may sa vào tay địch, chúng đem về bốt tra tấn bằng những cực hình hết sức dã man và giết hại, như các chị: Đinh Thị Nhẹn, Phạm Thị Tị, Đinh Thị Mùi (ở La Tiến). Đêm nào trong bốt La Tiến cũng diễn ra cảnh máu chảy, đầu rơi, bốt La Tiến trở thành “cối xay người” của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chúng sục sạo bắt dân đi phu xây bốt, đắp đường giao thông quân sự, khuân vác dụng cụ, phương tiện phục vụ quân lính đi càn quét. Chúng thúc ép lập tề, lập ra “Ban hương chủ” để cai quản dân, làm chỗ dựa cho chúng bắt phu, vơ vét lúa gạo, của cải. Từ bốt La Tiến, bọn địch còn càn quét, bao vây các thôn, xã lân cận, thẳng tay bắn giết, đốt phá và cướp bóc. Chúng bắt hàng trăm người dân trong vùng mà chúng cho là Việt Minh, du kích đem về bốt La Tiến tra tấn dã man và sát hại bằng những hình thức thời trung cổ ngay tại cây đa La Tiến. Chỉ trong gần 5 năm chiếm đóng tại đây (1949-1954), thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước của ta. Trong đó có nữ Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính) là Huyện ủy viên, Bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân.

Mặc dù gây tội ác man rợ, song thực dân Pháp không khuất phục được tinh thần kháng chiến của quân và dân ta. Tháng 1-1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt hoàn toàn bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Từ đây, cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân xã Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung. Chiến thắng, giải phóng bốt La Tiến, quân và dân xã Nguyên Hòa lại tiếp tục tham gia tòng quân, dân công hỏa tuyến chi viện cho các mặt trận: Điện Biên Phủ, chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bị sát hại tại bốt La Tiến, năm 2009, Huyện ủy Phù Cừ đã chỉ đạo cho xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cạnh Cây đa La Tiến bên dòng sông Luộc. Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phù Cừ cho biết, địa điểm cây đa và đền La Tiến đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử to lớn của quân dân Phù Cừ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; nơi khắc ghi tội ác vô cùng man rợ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Phù Cừ với các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng, đồng bào đã bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại tại nơi đây.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, nhân dân và LLVT huyện Phù Cừ đã đoàn kết một lòng, cùng nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu đáng phấn khởi trên các mặt công tác. Kinh tế-xã hội của huyện có bước phát triển ổn định và vững chắc, đời sống của nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, bộ mặt quê hương Phù Cừ có nhiều thay đổi, diện mạo về một nông thôn mới đang dần hiện ra rõ nét hơn. 

Về La Tiến những ngày đầu xuân, đi trong không gian yên bình của miền quê một thời đau thương giờ đang ngày càng trù phú, sầm uất, chúng tôi rưng rưng xúc động khi chứng kiến dòng người lặng lẽ về dâng hương, chiêm bái tại di tích cây đa và đền La Tiến.

Khắc Cường- Trần Ngọc