“Chìa khóa” giúp bộ đội mở lòng
Thứ ba, 13/08/2024 - 09:16
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ để bộ đội tin tưởng, tìm đến sẻ chia tâm tư, thẳng thắn đóng góp ý kiến không chỉ giúp chỉ huy các cấp nắm, quản lý, giải quyết kịp thời tư tưởng nảy sinh; thông qua đó còn phát huy được trí tuệ tập thể; tạo bầu không khí dân chủ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị; tăng cường mối đoàn kết gắn bó cán binh; giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Binh nhất Lê Khắc Tập, Chiến sĩ thuộc Tiểu đội Đại liên, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395) có hoàn cảnh đáng thương: Bố mất từ năm 2016, một mình mẹ làm công nhân nuôi ba chị em Tập ăn học rất vất vả. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Tập cảm thấy tự ti với đồng đội, ngại tham gia vào hoạt động chung của đơn vị. Là cán bộ quản lý trực tiếp Tập, Thượng úy Cao Ngọc Duy, Chính trị viên Đại đội 3 cho biết: “Chúng tôi cùng đội ngũ cán bộ trung đội, tiểu đội tăng cường gặp gỡ kết hợp gọi điện về phối hợp cùng gia đình động viên Tập. Sự quan tâm chân thành của chỉ huy và đồng đội đã tạo thiện cảm giúp Tập cởi mở, dần hòa đồng, yên tâm công tác”.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Trần, Lữ đoàn 242 giao lưu thể thao vào giờ nghỉ, ngày nghỉ
Thời gian qua, chỉ huy các đơn vị luôn chú trọng triển khai đồng bộ biện pháp, thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm giúp bộ đội được giãi bày tâm tư, đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến xây dựng đơn vị mọi lúc, mọi nơi. Trực tiếp và tiến hành thường xuyên hiện nay đó là bộ đội được phản ánh, đóng góp ý kiến thông qua sinh hoạt ở các cấp, học tập, giao ban hằng ngày, ngày chính trị, văn hóa tinh thần tổ chức hằng tháng. Trường hợp cấp bách hoặc đột xuất, bộ đội có thể gặp trực tiếp chỉ huy để kiến nghị, đề nghị; những vấn đề nhạy cảm, khó trình bày trực tiếp trước tập thể có thể đóng góp ý kiến thông qua bỏ phiếu kín hoặc “Hòm thư góp ý”.
Tuy nhiên, làm sao để bộ đội luôn tìm đến sẻ chia mỗi khi có tâm tư, tình cảm lại là bài toán khó đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Có nhiều năm kinh nghiệm quản lý, huấn luyện bộ đội, Trung tá Trịnh Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 chỉ ra: “Một số đồng chí hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, theo đạo khi nhập ngũ vào đơn vị hay cảm thấy tự ti; một số đồng chí khác có lối sống khép kín, ngại giao tiếp, rất khó nắm bắt tâm tư. Đối với những đồng chí này, cần phân loại, có biện pháp giáo dục, động viên và nắm bắt tư tưởng riêng, linh hoạt. Trường hợp đặc biệt cần phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ riêng, trực tiếp, không để diễn biến tư tưởng xấu có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật”.
Đặc thù môi trường quân sự có sự phân biệt cấp trên, cấp dưới, cộng thêm tính kỷ luật nghiêm minh cũng ít nhiều tạo ra khoảng cách nhất định giữa cán bộ với chiến sĩ. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan, trực tiếp và quan trọng khiến chiến sĩ ngại mở lòng đó là một số chỉ huy đơn vị có những lúc không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chiến sĩ, nặng về mệnh lệnh hành chính, thậm chí có biểu hiện gia trưởng. Điều này khiến chiến sĩ xa lánh, tránh mặt cấp trên, khi có chuyện buồn hoặc nảy sinh tâm tư, tình cảm thường giữ kín trong lòng, không gặp cán bộ để báo cáo, giãi bày.
Có thể khẳng định, khoảng cách cán-binh đang là một trong những rào cản khiến chiến sĩ ngại mở lòng. Vì vậy, cán bộ chỉ thực sự trở thành điểm tựa, chỗ dựa của chiến sĩ khi khoảng cách ấy được rút ngắn hoặc xóa bỏ. Binh nhất Nguyễn Thế Duyệt, Chiến sĩ thuộc Tiểu đội 2 (Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513) mong muốn: “Trong công việc cần phân định rõ cấp bậc, chức vụ. Tuy nhiên, giờ nghỉ, ngày nghỉ hay trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày thì cán bộ nên gần gũi, thân thiện, hòa đồng với chiến sĩ, tích cực tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cùng bộ đội. Thông qua những hoạt động thường ngày là điều kiện tốt để chúng tôi thuận tiện bày tỏ tâm tư, đề đạt nguyện vọng với chỉ huy”.
Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 513 cho rằng: Muốn bộ đội mở lòng thì “chìa khóa” chính là ở đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trực tiếp làm công tác quản lý, huấn luyện. Cán bộ phải thực sự như người anh, người bạn thường xuyên gần gũi, lắng nghe, sẻ chia và tôn trọng các ý kiến đóng góp của bộ đội; giải thích thấu tình đạt lý tâm tư, nguyện vọng chính đáng mà chiến sĩ đề đạt. Cán bộ tuyệt đối không được hứa xuông, gia trưởng, quan liêu, áp đặt, dân chủ hình thức, đoàn kết xuôi chiều. Chỉ có như vậy, ý “cán” mới hợp lòng “binh”, bộ đội mới tin tưởng cán bộ để sẵn sàng tìm đến tâm sự, sẻ chia và chủ động hiến kế xây dựng đơn vị.
Cùng với phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, thời gian qua, các đơn vị triển khai và thông qua hoạt động của một số tổ, nhóm, như: “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Tổ chiến sĩ bảo vệ”, “Đôi bạn cùng tiến” để nắm tâm tư, tình cảm bộ đội. Ngoài ra, các đơn vị chủ động đổi mới hình thức sinh hoạt đối thoại dân chủ, như: Tổ chức sinh hoạt đối thoại với chiến sĩ không có cán bộ dự; kết hợp sinh hoạt hỏi, trả lời trực tiếp với phát phiếu thăm dò để chiến sĩ kiến nghị, đề xuất. Điều này tạo điều kiện cho chiến sĩ thẳng thắn chia sẻ tâm tư, mạnh dạn nói về hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ; giúp chỉ huy giải quyết tận gốc các vấn đề về tư tưởng bộ đội, nắm thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.
Nguyễn Trường