Chiến thắng trận đầu mở đầu truyền thống “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội ta
Thứ tư, 23/10/2024 - 09:12
Từ căn cứ địa Cao Bằng, ngay sau lễ thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã xuất quân thực hiện chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu” của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi bàn bạc các phương án kỹ lưỡng, Ban Chỉ huy Đội quyết định phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, chọn mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lọng, tổng Kim Mã (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình). Đây là bản Việt Minh “hoàn toàn”, nhân dân đều tham gia các hội Cứu quốc. Đồn Phai Khắt chính là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc bị chúng chiếm đóng. Phai Khắt nằm lọt trong bán kính hoạt động của ta, lại xa tỉnh lỵ, huyện lỵ, xa tỉnh lộ. Hơn nữa, Đồn Phai Khắt rất gần nơi thành lập Đội, từ đỉnh Slam Cao, quân ta có thể quan sát được tình hình hoạt động của đồn, do đó, đánh Đồn Phai Khắt đầu tiên là quyết định vô cùng sáng suốt để đảm bảo đánh thắng trận đầu.
Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho cả tiểu đội cải trang thành lính dõng, chuẩn bị sẵn giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.
Đồn Phai Khắt - nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu (Ảnh chụp năm 1961).
17 giờ ngày 25/12/1944, Trung đội trưởng Thu Sơn dẫn hai tiểu đội đến đồn Phai Khắt, trình giấy cho lính gác và tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Địch bị bất ngờ, trở tay không kịp, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.
Sau khi hạ đồn Phai Khắt, 3 giờ ngày 26/12/1944, Đội khẩn trương hành quân tới đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km). Đồn Nà Ngần chính là nhà ở của Phó lý Pảo, xóm Nà Ngần, xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình), nằm trên đồi cao, địa thế hiểm trở. Đồn Nà Ngần có 22 lính khố đỏ do 2 sĩ quan người Pháp chỉ huy. Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải 3 “cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Đúng 7 giờ ngày 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong cầm cờ tam tài dẫn ba “cộng sản Mán” vào đồn. Quân Pháp bị mắc mưu, ta nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu nhiều chiến lợi phẩm. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, 20 phút sau ta đã rút khỏi đồn địch.
Trong cả hai trận đánh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đều sử dụng chiến thuật hóa trang tập kích. Chiến thuật đó kết hợp với yếu tố bất ngờ, bí mật, nhanh gọn khiến cho địch không kịp trở tay. Việc chọn đồn Phai Khắt và Nà Ngần làm mục tiêu tiến công đầu tiên là quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy quân sự sáng tạo, phù hợp với khả năng lực lượng và trình độ tác chiến của ta. Lực lượng địch ở mỗi đồn khoảng 20 tên, có sĩ quan Pháp chỉ huy, trang bị vũ khí đủ, tốt, nên chúng khá chủ quan, canh gác bố phòng tương đối sơ hở. Đánh vào Phai Khắt, Nà Ngần, ta có thuận lợi là tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân để nắm tình hình địch và tiếp cận đánh địch. Hơn nữa, hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần lại cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch, nên khi đồn này bị đánh, đồn kia chưa thể biết ngay và không thể chi viện kịp thời, ta có thể nhanh chóng giải quyết trọn vẹn trận đánh.
Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn, nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, kế hoạch, có công tác tham mưu, chính trị, hậu cần. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội. Nó chứng tỏ nhận định sáng suốt của Đảng: Cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Hai chiến thắng đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng trong vùng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ, vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đối với Đội, hai thắng lợi này tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ, đặc biệt để lại những bài học kinh nghiệm quý đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội có thêm vũ khí, trang bị.
Với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện tinh thần “Quyết chiến - Quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu của toàn thể đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Hai thắng lợi này còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh là phải luôn dựa chắc vào dân, phải có sự phối hợp tốt giữa bộ đội chủ lực và các đội vũ trang, các đội tự vệ địa phương.
BAN BIÊN TẬP