Đấu tranh với những hiện tượng “lệch chuẩn văn hóa” trên không gian mạng
Thứ ba, 17/09/2024 - 21:09
Trong thời đại của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của mạng xã hội là sự xuất hiện ngày càng nhiều các biểu hiện “lệch chuẩn văn hóa”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và văn hóa của đất nước. Do đó, đấu tranh phản bác những biểu hiện này không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận diện sự “lệch chuẩn về văn hóa”
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc truy cập internet và mạng xã hội đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, tình cảm, học hỏi và giao lưu văn hóa, mà còn mang theo nguy cơ khi người dùng không có khả năng xử lý thông tin một cách đúng đắn. Trên mạng xã hội, việc quản lý thông tin vẫn chưa được triển khai một cách toàn diện, và nhiều thông tin không chính xác hoặc không lành mạnh đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và phong cách sống của người sử dụng.
Việc nhận diện và đấu tranh với những biểu hiện “lệch chuẩn văn hóa” trên không gian mạng đang diễn ra nóng bỏng, phức tạp và cấp bách chưa từng có như hiện nay. Sự nóng bỏng của vấn đề đến từ sự liên quan trực tiếp đến các vấn đề “nóng”, thường có tính thời sự; phức tạp và cấp bách bởi không chỉ bắt nguồn từ nhận thức đến hành vi không đúng của một số thành phần xã hội mà còn bị các tổ chức và cá nhân lợi dụng để trục lợi bất chính. Ví dụ, những thông tin về tai nạn, thảm họa, hoặc tin tức chính trị được biến tấu và lan truyền mạnh mẽ, gây hoang mang và lo lắng trong cộng đồng mạng. Điều đáng lo ngại hơn cả là sự lợi dụng của các thế lực thù địch để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng trên không gian mạng, gây ra nguy cơ trực tiếp đến chiến lược phát triển con người Việt Nam và sự nghiệp xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là sự lạm dụng mạng xã hội với mục đích cá nhân và tư lợi. Người dùng không ít lần sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để tạo ra những bài viết, video, hoặc livestream với mục đích thu hút sự chú ý, tăng lượng tương tác, hoặc thậm chí là tạo dựng danh tiếng cá nhân mà không đặt vào trọng tâm những giá trị đạo đức và văn hóa xã hội (những nội dung bạo lực, hình ảnh và video không phù hợp được chia sẻ một cách rộng rãi; những hành vi kích động, kích động người khác thực hiện hành vi bạo lực cũng là một vấn đề đáng lưu ý). Các hoạt động này thường tiêu biểu cho sự suy đồi về đạo đức lối sống, gây nên những nội dung phản cảm, bạo lực và không tôn trọng nguyên tắc cơ bản của xã hội.
Tai tiếng là một “bàn đạp” tìm kiếm sự nổi tiếng của nhiều người. (Ảnh minh họa - Nguồn: baophapluat.vn)
Ngoài ra, không gian mạng cũng trở thành nơi mà các thế lực thù địch có thể tận dụng để phổ biến thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật, và gieo rắc hỗn loạn trong xã hội. Bằng cách tạo ra những tiêu đề gây sốc và thu hút, họ kéo dài sự chú ý và tạo ra sự hiếu kỳ từ phía người dùng, từ đó lan truyền những thông điệp độc hại và những ý kiến chống đối. Việc này không chỉ gây ra sự hoang mang và lo lắng trong cộng đồng mạng mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định và tin cậy của xã hội.
Hơn nữa, sự toàn cầu hóa cũng đã tác động sâu rộng đến văn hóa dân tộc và đời sống xã hội. Mặc dù nó mở ra cơ hội cho sự giao lưu và tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới về bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống. Sự tiếp xúc ngày càng mạnh mẽ với văn hóa toàn cầu có thể làm mất đi những giá trị cốt lõi và đặc trưng của mỗi dân tộc, khiến cho xã hội trở nên đồng nhất và mất đi sự đa dạng. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng về việc làm thế nào chúng ta có thể duy trì và phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển.
Những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh
Hoạt động nhận diện, đấu tranh phản bác biểu hiện “lệch chuẩn về văn hóa” trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước hết phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” tới mọi người dân. Qua đó, xác định tốt chức trách, nhiệm vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong tham gia mạng xã hội, tuyên truyền giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, cần tích cực đấu tranh với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp ấn phẩm văn hóa đồ trụy, hành vi bạo lực, lối sống vô văn hóa, phi vô sản. Theo đó, cần quán triệt những yêu cầu của Đảng: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn về những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp. Đặc biệt, những vấn đề tiêu cực trên internet, mạng xã hội đã và đang tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý, lối sống của nhân dân nếu họ không có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu rõ ràng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, không đủ khả năng phát hiện, phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, tiến bộ - lạc hậu ...
Phát huy trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn công dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhận biết được đúng, sai, điều chỉnh hành động một cách đúng đắn. Hiện nay, vẫn còn tình trạng gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể chưa thật sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc giáo dục, dìu dắt, chỉ bảo đối với mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều gia đình vì mải mê kiếm sống mà sao nhãng, bỏ qua việc giáo dục con. Nhiều trường học chỉ chú trọng phần học “văn” mà bỏ qua phần “lễ”, coi trọng giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Vẫn còn nhiều tổ chức đoàn thể hoạt động theo phong trào, bề nổi lấy thành tích, chưa tạo ra những hoạt động thực tiễn, theo chiều sâu có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các em tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, chưa định hướng lý tưởng trong các hoạt động văn hóa, xã hội cho giới trẻ. Do đó, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn, hội trong công tác giáo dục, định hướng công dân là việc làm cần thiết. Báo chí cũng cần định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu; báo chí không chỉ mô tả, phản ánh các vụ việc, hành vi văn hóa, mà phải phân tích thấu đáo, từ đó đưa ra khuyến nghị về phong cách ứng xử, lối sống có văn hóa trong xã hội cho người dân.
Tăng cường công tác quản lý hệ thống mạng xã hội, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi “lệch chuẩn về văn hóa”. Toàn xã hội cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin “lệch chuẩn về văn hóa”; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm. Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt đông tham gia mạng xã hội để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên mạng hiệu quả; cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội nhằm tuyên truyền, đăng tải, bình luận các thông tin, vấn đề, sự kiện nhằm mục đích trục lợi.
Tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Trước sự hội nhập và văn hóa toàn cầu, tuổi trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm văn hóa độc hại, cổ súy lối sống lai căng, tư tưởng lệch lạc. Trong bối cảnh ấy, chúng ta càng phải quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên có đủ đức, tài, niềm tin, khát vọng để xứng đáng với vị thế, trọng trách cao cả của mình đối với dân tộc và Tổ quốc. Đây là trách nhiệm không riêng của ai, mà là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Mỗi biện pháp nêu trên có vị trí, vai trò, nội dung và yêu cầu thực hiện khác nhau, song có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Sự quyết tâm thực hiện một số biện pháp nêu trên sẽ góp phần tăng cường công tác giữ gìn an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, chỉ rõ vấn đề, giúp nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng thành công nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Phạm Văn Phương