Chủ nghĩa xã hội – sức sống mãnh liệt của thời đại

Thứ hai, 11/03/2024 - 15:45

Mong ước về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, không có áp bức, bóc lột đã được hình thành ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại và trở thành khát vọng của nhiều nhà tư tưởng. Đầu thế kỷ thứ XX, khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công năm 1917, chủ nghĩa xã hội đã kết thúc thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra thời đại cách mạng vô sản, thời đại cải cách và đổi mới, thời đại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy có lúc rơi vào khó khăn do sai lầm của một số nước, nhưng phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới vẫn có những bước đi sáng tạo, đem lại sức sống mới cho lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa.

Bài 1: Nhận diện chiêu trò của các thế lực thù địch

Cách đây hơn 30 năm, vào ngày cuối năm 1991, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết) chấm dứt sự tồn tại. Các thế lực thù địch, phản động vui mừng, rêu rao tuyên bố: Cách mạng Tháng Mười Nga là một “sai lầm của lịch sử”, “Cái chết của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác-Lênin”… Sự thật, từ đó đến nay, chủ nghĩa xã hội vẫn có sức sống mãnh liệt, trường tồn.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) và sự ra đời của nhà nước Xô Viết đã chấm dứt gần 3 thế kỷ chế độ tư bản chủ nghĩa độc tôn trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu; biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học trở thành hiện thực sinh động trong đời sống chính trị thế giới; đã khai sinh ra một hình thái kinh tế - xã hội mới trong lịch sử nhân loại có thiên chức phủ định biện chứng hình thái tư bản chủ nghĩa... Sự kiện này đã tạo ra “cái gai trong mắt”, “bóng ma ám ảnh” các thế lực tư bản đế quốc, cho đến nay vẫn không thể “nhổ bỏ”, “xoá sổ” triệt để chủ nghĩa xã hội.

ảnh minh họa

Với sức mạnh toàn diện và tính ưu việt, Chính quyền Xô-viết đã đánh thắng các cuộc chiến tranh can thiệp, xâm lược của các nước đế quốc, phát xít, lập lại hòa bình, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành công, bảo đảm cho người lao động, mọi người dân được thụ hưởng những thành quả chính đáng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực để họ yên tâm lao động, cống hiến… dẫn tới sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Liên bang Xô viết thành lập với hơn 200 triệu nhân dân, một vùng lãnh thổ trên 22 triệu km2 rộng lớn xuyên từ châu Á sang châu Âu, đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nêu ra một hình mẫu về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc; về văn minh và tiến bộ xã hội; về giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng lao động và giải phóng con người.

Chỉ tính riêng các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có cùng mục tiêu xây dựng CNXH hiện thực, đã có thời chiếm gần 1/3 diện tích, 1/4 dân số và 40% sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Đồng thời đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, giải quyết các vấn đề xã hội; tạo thế cân bằng về sức mạnh quân sự với các nước đế quốc chủ nghĩa… CNXH trên thực tế, là sản phẩm đích thực của thời đại lịch sử mới, đóng vai trò thành trì, trụ cột của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong những năm tháng CNXH lâm vào khủng hoảng ở các mức độ khác nhau, những đầu óc tư bản đế quốc và phản động trên thế giới chỉ biết hình dung ra viễn cảnh toàn bộ các quốc gia này lần lượt sụp đổ. Thế nhưng, sự thật các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành cải cách, cải tổ, đổi mới, tạo sức sống mới và phát triển rất đặc sắc trong bối cảnh mới của thời đại.

Trung Quốc cải cách, mở cửa từ năm 1978 “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, Việt Nam đổi mới từ năm 1986 và các nước xã hội chủ nghĩa còn lại tiến hành đổi mới với các nguyên tắc đúng đắn; vừa toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, giải pháp phù hợp; vừa kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận với thực tiễn, gắn quốc gia với thế giới. Nhờ vậy, Trung Quốc đã trở thành cường quốc lớn đang trỗi dậy; Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Cuba hiên ngang trước bao vây cấm vận; các nước xã hội chủ nghĩa khác đều có những bước tiến quan trọng khẳng định độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, thực hành một nền dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… 

Thật đáng tiếc, vẫn còn một số người không nhận ra điều đó. Ngày 02/02/2023, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua Nghị quyết “Lên án sự khủng khiếp của CNXH”- (ký hiệu: H.Con.Res 9), đã hồ đồ quy kết những “tội ác” của CNXH, tuyên bố “bác bỏ CNXH dưới mọi hình thức”, cho rằng: Chế độ CNXH với chủ trương thâu tóm quyền lực trong tay đã luôn luôn trở thành những chế độ Cộng sản, độc tài chuyên chế; luôn luôn đưa đến nạn đói, gây ra những cuộc thảm sát tập thể đã giết hại trên 100 triệu người trên toàn thế giới; Những tội ác ghê tởm nhất trong lịch sử đều do những kẻ theo chế độ CNXH sắt máu như: Lê nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Pol Pot, Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), Kim Chính Ân (Kim Jong-Un), Daniel Ortega, Hugo Chavez, Nicolas Maduro…; Hàng chục triệu người đã chết trong cuộc cách mạng cộng sản tại Liên Xô; có khoảng từ 15 triệu đến 55 triệu người đã bị chết đói do chương trình Bước nhảy vọt tại Trung Cộng; CNXH được thử nghiệm tại Cam Bốt đã dựng lên những Cánh đồng thảm sát, giết hại hàng triệu người một cách ghê tởm; CNXH tại Bắc Hàn đã làm cho hơn 3 triệu 5 trăm ngàn người chết đói, đất nước cắt chia, một nửa thì tự do dân chủ (Nam Hàn), một nửa thì cơ cực bần hàn (Bắc Hàn); CNXH cuả Fidel Castro tại Cuba đã cướp đoạt ruộng đất của nông dân, cướp đoạt thương nghiệp của những chủ thương mại, cướp đi của cải, tài sản và cuộc sống cuả họ, đồng thời xô đẩy hàng triệu người bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng; CNXH áp dụng tại Venezuela đã biến một quốc gia giàu có thành một nước lụn bại với nạn lạm phát cao nhất thế giới…

Nghị quyết trên trắng trợn bịa đặt những “tội ác ghê tởm” cho các nhà lãnh đạo quốc gia xã hội chủ nghĩa, quy kết CNXH thâu tóm quyền lực, độc tài, chuyên chế… khiến cho người đọc liên tưởng, đồng nhất CNXH với các chế độ tương tự chủ nghĩa phát xít; đánh tráo khái niệm, đánh đồng họ với những nhân vật bị nhân loại lên án. Đây là thái độ thiếu văn minh và đi ngược lại những mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển và giá trị chung mà nhân loại đang phấn đấu, chung tay thực hiện.

“Cơ hội vàng” này đang được các thế lực cực đoan, thù địch tận dụng triệt để xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, với các tuyên bố đại ngôn theo kiểu “Hàng trăm ngàn người Nga, Trung Quốc, Campuchia, Triều Tiên, Cuba, và Venezuela đã chạy trốn khỏi chế độ độc tài cộng sản sát nhân và đã tái định cư hợp pháp tại Mỹ. Họ là một sự chứng minh sống động cho sự man rợ của các chế độ xã hội chủ nghĩa này”; “Sự tiến triển tự nhiên của các chính sách xã hội chủ nghĩa và cộng sản đều dẫn đến một nhà nước độc tài tước đoạt các quyền tự do căn bản và nhân quyền của công dân...”; “Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm lịch sử, đưa dân tộc vào chỗ chết”; “Ý thức hệ Mác - Lênin không chấp nhận đối lập chính trị, luôn tìm mọi cách bưng bít thông tin, gây nên những đại nạn cho toàn thể nhân loại”…

Trước đó, Hội đồng nghị viện Hội đồng châu Âu thông qua cái gọi “Nghị quyết về sự cần thiết lên án quốc tế đối với tội ác của các chế độ cộng sản độc tài”. Muốn kết tội Chủ nghĩa cộng sản, cưỡng ép dựng lên “phiên tòa công lý toàn cầu” nhằm gắn “bản án tử hình” lên những lý tưởng của CNXH. Toan tính này có thể coi đỉnh cao trong chuỗi nỗ lực của các thế lực thù địch, cực đoan với âm mưu muốn gây rối về an ninh cho nhiều nước; với mục tiêu áp đặt một chế tài pháp lý nhằm loại bỏ hẳn CNXH, chủ nghĩa cộng sản khỏi sự phát triển của lịch sử.

Gần đây, các thế lực cực đoan, thù địch đẩy mạnh những đòn công kích ồ ạt, mưu toan chớp thời cơ bằng các chiêu bài “bảo vệ dân chủ”, “bảo vệ nhân quyền”, “chống độc tài”, “chống khủng bố”, “cách mạng sắc màu”, “cách mạng nhung lụa”, “cách mạng đường phố”, nhất là thiên hướng sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt… với mưu đồ nhanh chóng xoá bỏ CHXH. Một số người trong hàng ngũ cộng sản và bộ phận nhân dân đã nhuốm màu tư bản, nảy sinh t­ư tưởng bi quan, dao động, bàng quan, thậm chí đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH cũng cổ suý, hùa theo… tạo sự cản trở phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Vậy, vì sao thế lực cực đoan, thù địch lại hết sức hoảng sợ, luôn quyết liệt tìm mọi cách chống phá, hòng xoá bỏ triệt để CNXH?

                                                                                         (còn nữa)

                                                                                 PHÙNG VĂN HẠNH