Chủ nghĩa xã hội – sức sống mãnh liệt của thời đại (tiếp)

Thứ tư, 13/03/2024 - 14:25

Bài 2: Khát vọng vươn tới của nhân loại

Chế độ xã hội chủ nghĩa là sản phẩm tất yếu khách quan theo quy luật vận động của lịch sử xã hội loài người. CNXH mang lại những giá trị tốt đẹp hơn cho con người và sự phát triển của lịch sử xã hội loài người.

Tư tưởng CNXH luôn tồn tại và phát triển trong các phong trào đấu tranh ở các nước tư bản vì hòa bình, phát triển bền vững, công bằng và tiến bộ xã hội. Nhiều cuộc đình công, biểu tình đã diễn ra ở một số nước đòi cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động, buộc tư bản chủ nghĩa phải điều chỉnh để thích nghi.

ảnh minh họa

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa. Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các “sắc tộc”. Khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội [1]. 

Như vậy, tương lai của xã hội loài người không phải là chủ nghĩa tư bản hay xã hội nào khác mà chính là CNXH với bản chất tốt đẹp: Tất cả vì con người, vì sự phát triển hài hòa giữa con người và môi trường sống. Chúng ta có những minh chứng rất thuyết phục, đó là, Chính phủ các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới vẫn thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa; tạo dựng và mong muốn quan hệ ngày càng mật thiết và tạo môi trường kinh tế bình đẳng với quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nhà tư bản vẫn quan tâm đầu tư, hợp tác và phát triển sản xuất, kinh doanh ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đó là hình ảnh các nước xã hội chủ nghĩa như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba... luôn vững vàng, hiên ngang trước mọi sự chống phá của các thế lực cực đoan, thù địch. 

Đối với Việt Nam, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, ước mơ, khát vọng ngàn đời của nhân dân ta là: Tổ quốc độc lập, hòa bình, thống nhất, phát triển, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Con đường này hoàn toàn mới mẻ và không ít khó khăn, nhưng giảm bớt được đau khổ cho nhân dân lao động. Chính điều đó, nhân dân ta tin Đảng, theo Đảng, hi sinh tính mạng và tài sản, hợp sức, đồng lòng để giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã làm nên huyền thoại Việt Nam, làm nên sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Nói đến Việt Nam không chỉ là nói đến tấm gương yêu nước, bề dày truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm để giành độc lập và tự do, mà phải kể đến những thành công của Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Thành tựu gần 40 năm đổi mới, đất nước ta phát triển mạnh mẽ, toàn diện, chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao trong phát triển kinh tế, chính trị, an sinh xã hội; nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi hẳn bộ mặt và vị thế của đất nước so với những năm trước đó đã khẳng định giá trị to lớn, làm sáng rõ hơn Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, từng bước được hiện thực hóa. Bên cạnh đó, thế giới ủng hộ Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, không chỉ ủng hộ về vật chất, công nghệ, mà còn ủng hộ về tinh thần, sự đồng thuận phong cách ứng xử của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế có liên quan... góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân ta về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, vì hạnh phúc của nhân dân.

Việt Nam đang vững bước vào thời đại mới với tư duy mới, với ý chí, khát vọng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới, có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu trên tinh thần tôn trọng, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Với tầm nhìn, bước đi đúng đắn, sáng tạo, Đảng đã hoạch định đường lối chiến lược, xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Trong đó, nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta có đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, điều hành đất nước đều có trình độ cao, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thế nhưng, những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, tình trạng tham nhũng, quan liêu, thoái hoá… là nguy cơ hiện hữu, đặt ra yêu cầu Đảng ta phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng nội bộ Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trở thành trung tâm đoàn kết, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong những thập kỷ tới của thế kỷ XXI, CNXH ở nước ta sẽ còn gặp khó khăn trên con đường phát triển, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, với năng lực sáng tạo dồi dào, Việt Nam sẽ vượt qua để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Như vậy, CNXH là mục tiêu, lý tưởng, có sức sống mãnh liệt với thời đại. “Hiện nay, gần 1,5 tỷ người trên hành tinh vẫn đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với những thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, nhưng sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay (Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba...) đã chứng minh rằng CNXH vẫn là hiện thực, là thực tế, là một chế độ xã hội tốt đẹp nhất trong lịch sử nhân loại đến ngày nay”[2].  

Không chỉ thể hiện sức sống ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, CNXH còn hiện diện trong các phong trào đấu tranh nhân dân rộng lớn trên toàn thế giới đang phê phán, bác bỏ mô hình tự do mới tư bản chủ nghĩa và năng động đưa ra các phương án thay thế vì một thế giới khác tốt đẹp hơn. Với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta vẫn có quyền khẳng định sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức sống mãnh liệt của CNXH. Đó chính là biện chứng lịch sử không thể đảo ngược trong thời đại ngày nay.

                                                                               PHÙNG VĂN HẠNH

 [1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, tr.18-20.

[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb Lý luận chính trị, H, 2022, tr. 90, 91