Đại tướng Lê Trọng Tấn – nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam

Thứ ba, 01/10/2024 - 07:30

Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng xuất sắc của Quân đội và nhân dân ta, là nhà quân sự mưu lược, dũng cảm, sáng tạo, quyết đoán. Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng là người khiêm tốn, đức độ, liêm khiết. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời ông là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ hôm nay học tập.

Đại tướng Lê Trọng Tấn (thứ hai từ trái qua) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu.

Sinh ngày 01/10/1914 tại Hà Nội, Đại tướng Lê Trọng Tấn là cán bộ được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và trưởng thành từ chỉ huy phân đội, trung đoàn, rồi đại đoàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 6/1978, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Với tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc sảo, kinh nghiệm dày dạn về công tác tham mưu chỉ huy chiến đấu, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) chỉ đạo xây dựng cơ quan BTTM vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược trọng yếu của QĐND Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với bản lĩnh chỉ huy kiên quyết, sáng tạo đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy động viên, khơi dậy sức mạnh, ý chí của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 quán triệt và thực hiện tốt việc chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Him Lam mở màn chiến dịch đập tan cái gọi là “Quả đấm sắt”, “Một đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” của Pháp tại Điện Biên Phủ, xóa sổ tiểu đoàn Lê Dương 3/13 DBLE. Trên đà thắng lợi, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục chỉ huy, chỉ đạo Trung đoàn 165 phối hợp với Đại đoàn 308 tiến công chiếm cứ điểm Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, sau đó chỉ huy Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt các vị trí đồi E, D1, D2, 105, 505,… phát triển tiến công đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy Mường Thanh bắt sống tướng Đờ-Cát.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, đồng chí đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn cán bộ của BTTM trực tiếp vào chiến trường vừa nghiên cứu, theo dõi nắm tình hình, vừa trực tiếp truyền đạt nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện chủ trương, phương châm hoạt động và tác chiến. Đặc biệt, với tư duy chiến lược sắc sảo, tài năng quân sự lỗi lạc, ở cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí đã được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử làm Tư lệnh nhiều chiến dịch lớn, như: Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (năm 1971); Trị - Thiên (năm 1972); Huế - Đà Nẵng (năm 1975),… và trở thành một trong những Tư lệnh chiến dịch xuất sắc về tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta.

Đầu năm 1973, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng chí đã cùng cơ quan BTTM đánh giá tình hình chiến trường, về Quân đội Ngụy quyền Sài Gòn và khả năng phản ứng của Mỹ; về hướng tiến công, mục tiêu trong từng giai đoạn và vấn đề tiến công và nổi dậy. Riêng “Kế hoạch giải phóng miền Nam” do BTTM soạn thảo đã được Bộ Quốc phòng thảo luận, chỉnh sửa để báo cáo Bộ Chính trị và chính thức được thông qua. Bám sát diễn biến chiến trường và với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã mạnh dạn đề xuất Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị thành lập cánh quân phía Đông để cơ động tiến công Sài Gòn ngay sau Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. Thực tế đã chứng minh, đề xuất của đồng chí Lê Trọng Tấn là hoàn toàn đúng đắn và chính một đơn vị của cánh quân này đã đánh thẳng vào Dinh Độc Lập bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Sau này, trong Hội nghị Tổng kết Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của BTTM vì nó không có từ đầu trong Kế hoạch giải phóng miền Nam”.

Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng với tập thể Đảng ủy và Thủ trưởng BTTM có nhiều biện pháp củng cố biên chế tổ chức, xây dựng BTTM vững mạnh toàn diện, nhằm đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng cho phù hợp với chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu của LLVT nhân dân.

Tháng 6/1978, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, với cương vị là Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc BTTM chủ động nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, đánh sớm”, không cho địch đối phó” ở biên giới Tây Nam; đồng thời, có kế hoạch sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc. Trong đó, một mặt, chủ động điều chỉnh bố trí lực lượng và nhiệm vụ của một số đơn vị SSCĐ trên tuyến biên giới; mặt khác, bám sát thực tiễn của từng chiến trường, đánh giá đúng tình hình mọi mặt để dự kiến chính xác các tình huống chiến dịch, chiến lược; trên cơ sở đó, chuẩn bị chiến trường; bố trí thế trận linh hoạt; triển khai kế hoạch phòng thủ trên hướng biển, đẩy mạnh việc tiếp tế, chi viện cho hải đảo và các khu vực trọng điểm. Thực tiễn đã khẳng định, sự chỉ đạo của BTTM là đúng đắn, nhạy bén góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, trực tiếp là quân, dân trên tuyến biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, dù tuổi đã khá cao, nhưng đồng chí vẫn trực tiếp bám sát chiến trường, chỉ huy chiến đấu, để lại tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân về ý chí quyết chiến quyết thắng, lòng trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn toát lên phẩm chất cương trực, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cùng với đó, trong con người Đại tướng luôn tỏa sáng lòng nhân hậu, vị tha và đạo đức cách mạng. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng được cán bộ và chiến sĩ hết lòng tin yêu, kính trọng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn là dịp để cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, LLVT Quân khu 3 nói riêng cùng nhau ôn lại công đức, tài năng và tri ân vị Đại tướng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và Quân đội ta; nguyện học tập, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác chuyên môn, xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

THANH MONG (tổng hợp)