Di tích nhà bia thôn Kim Bảng – Chứng tích tội ác của kẻ thù

Thứ ba, 05/03/2024 - 15:45

Để ghi dấu lại tội ác của thực dân Pháp và tưởng nhớ những người con ưu tú mảnh đất Kim Bảng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng. Năm 2019, UBND xã Phú Điền đã có quyết định xây dựng “Di tích nhà bia thôn Kim Bảng – Điểm ghi dấu tội ác của thực dân Pháp” tại thôn Kim Bảng, xã Phú Điền (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Theo tư liệu được ghi chép lại, cách đây 75 năm, ngày 10/8/1949, người dân Kim Bảng chứng kiến một trong những trận càn quét quy mô lớn của thực dân Pháp. Trời mờ sáng, quân giặc đã bao vây thôn Kim Bảng, huy động lực lượng lùng sục, phát hiện hai hầm bí mật, bắt đi 18 cán bộ, du kích và nhân dân, dồn ra đình làng. Đặc biệt, chúng bắt được đồng chí Lê Văn Nhân (tức Hài), biết ông là Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến của xã Phú Điền, bọn địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn ông hết sức dã man trước đồng đội và đông đảo bà con nhân dân trong thôn. Tuy thương tích đầy mình, song mỗi lần chúng hỏi về tổ chức, nơi cất giấu vũ khí, ông chỉ lắc đầu nói “không biết”. Sau gần một ngày dùng đủ mọi nhục hình, quân giặc đã phải chịu thất bại trước sự kiên trung của người cán bộ, đảng viên cộng sản. Chúng đã xả súng bắn chết ông tại bờ sông Bãi Nghè, gần nơi ở của gia đình ông.

Quang cảnh di tích nhà bia thôn Kim Bảng- Điểm ghi dấu tội ác của thực dân Pháp

Noi gương ông, 17 người bị bắt trong đó có 12 cán bộ, đảng viên dù bị quân giặc tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai báo. Không thể khuất phục được ý chí kiên cường của các cán bộ, đảng viên và người dân, địch có quyết định hèn hạ, xử bắn tất cả 17 người và hất xác xuống quãng sông Ba Kèo (xã Cộng Hòa) nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân, khiến người dân khiếp sợ.

Sau trận tập kích vào thôn Kim Bảng, địch tiếp tục mở rộng nhiều trận càn quét vào các thôn trong xã Phú Điền hòng uy hiếp tinh thần của nhân dân và thiết lập lại hệ thống làng tề đã bị phá. Nắm được ý đồ, âm mưu của kẻ địch và rút kinh nghiệm qua các trận đánh chống càn, chi bộ xã Phú Điền lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân trong xã chủ động đánh trả địch quyết liệt, phá tan các cuộc càn quét của kẻ thù đồng thời phát động phong trào học tập, noi gương tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nhân và các đồng đội của ông khiến nơi đây trở thành luỹ thép - nỗi kinh hoàng, khiếp sợ của kẻ kịch.

Sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, Nhà nước đã truy tặng 13 cán bộ, đảng viên là liệt sỹ và đến ngày 26/4/2018, ông Lê Văn Nhân vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

Thời gian qua đi, vết thương chiến tranh cũng đã lành theo năm tháng nhưng vết sẹo của nó, tội ác của thực dân Pháp vẫn còn đó như một lời nhắc nhở cho muôn đời sau về sự khốc liệt của chiến tranh, một thời kỳ chiến đấu, hy sinh gian khổ của ông cha cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay.

Năm 2019, UBND xã Phú Điền đã cho xây dựng nhà bia tại khu vực này rộng 200 m2. Nhà bia có chất liệu gạch, hình vuông, một tầng mái. Mái đổ bê tông dán ngói mũi, trên nóc kết hình mặt trời, các đầu mái cong tạo dáng hình vân mây. Chính giữa nhà bia dựng một tấm bia bằng đá, ghi lại sự kiện của vụ càn quét năm 1949. Trước nhà bia đặt một lư hương và hai cây đèn, chất liệu bằng đá. Trong khuôn viên nhà bia tưởng niệm còn có giếng và cây đa cổ thụ. Giếng hình tròn, đã xây thành bao quanh.

Công trình được hoàn thành, với khuôn viên rộng rãi xanh - sạch - đẹp không chỉ làm “ấm lòng” người đã khuất mà còn cháy lên niềm tự hào về một thời hào hùng của dân tộc. Vào ngày 17/7 âm lịch hằng năm được nhân dân lấy làm ngày “Giỗ trận”; những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của địa phương, dân tộc, cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương thường đến thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh trong sự kiện này, ôn lại quá khứ bi hùng và câu chuyện lịch sử chống giặc ngoại xâm sẽ được nối dài, lưu truyền mãi mãi tới các thế hệ mai sau. Nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, nhắc nhở các thế hệ con cháu về lòng yêu nước, ý chí cách mạng và tri ân những người đã hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước.

THANH HIỀN