Giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập

Thứ hai, 02/09/2024 - 08:07

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 

Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào tình trạng hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước theo tinh thần: Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Nghe theo hiệu lệnh, cả dân tộc vùng lên như “bão táp”. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14  đến 28/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm (nay là Phú Thượng, Tây Hồ). Sau đó, Bác về ở tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tại ngôi nhà này, trong những ngày cuối tháng 8 năm 1945, Người đã dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

Hỡi đồng bào cả nước,

 “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

“Chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Có thể thấy, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam ‑ kỷ nguyên độc lập tự do, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập không chỉ góp phần khai sinh ra nước Việt Nam mà còn là nền tảng, nguồn cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chung sức, đồng lòng viết nên những trang sử hào hùng nhất ở thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã lập những chiến công hiển hách, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Thực tiễn cho thấy, để giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam thực sự hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, càng phải chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực điều hành, quản lý Nhà nước theo pháp luật, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Nhà nước; chăm lo, phục vụ nhân dân và bảo đảm lợi ích chính đáng của mọi người dân.

79 năm qua, mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ con cháu của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân đều có một niềm xúc động, một cảm xúc thiêng liêng khó tả trong dịp tết Độc lập, đặc biệt khi nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập. Dù năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2/9 vẫn đời đời bất diệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau; vẫn khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nguyễn Thanh (tổng hợp)