Gìn giữ làn điệu chèo quê hương

Thứ hai, 04/11/2024 - 14:43

Trưởng thành và gắn bó với vùng quê được mệnh danh là “đất lúa, đất chèo”, nhiều năm qua, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình dành nhiều tâm huyết để tìm tòi, sáng tạo, đưa làn điệu chèo vào phục vụ hoạt động văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trên chặng đường gìn giữ làn điệu chèo cổ, cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình gặt hái được nhiều thành công, gần đây nhất, đơn vị được Tổng cục Chính trị trao Cờ “Đơn vị đạt kết quả xuất sắc” và nhiều bằng khen trong Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong Phụ nữ Quân đội năm 2024.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình biểu diễn tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong Phụ nữ Quân đội năm 2024.  

Sâu lắng, giàu cảm xúc, truyền tải nội dung mang ý nghĩa giáo dục cao, thể hiện tính thẩm mỹ và nét nghệ thuật đặc trưng của các làn diệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ là nhận xét chung của nhiều khán giả khi theo dõi phần thi của phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu mà cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình làm nòng cốt. Với tựa đề “Lời ru trên mâm pháo”, chương trình bắt đầu bằng phần giới thiệu về truyền thống và những chiến công của phụ nữ LLVT Quân khu. Phần để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả và ban giám khảo chính là hoạt cảnh chèo, tái hiện lại cuộc sống và quá trình chiến đấu và những chiến công vang dội của Đại đội 4 dân quân gái (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với kịch bản được xây dựng công phu, kết cấu chặt chẽ, những nữ quân nhân của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình kết hợp hài hòa, nhịp nhàng, uyển chuyển giữa các làn điệu dân ca truyền thống như: sẩm, hát văn và chèo cổ,… để tạo chiều sâu cảm xúc hào hùng, bi tráng, dồn dập, nhẹ nhàng, cuốn khán giả vào không gian nghệ thuật của chuyện kể trên sân khấu. Các làn điệu dân ca cổ vốn rất khó để thể hiện ngay cả với nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng nhờ quá trình luyện tập, chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, các cán bộ, hội viên hàng ngày quen với việc huấn luyện, SSCĐ và thực hiện chuyên môn quân sự khi lên sân khấu lại rất duyên dáng, thướt tha với giọng hát truyền cảm, thể hiện đúng nhịp điệu, hồn cốt của chèo và các làn điệu dân ca khác.

Phần thi do phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình làm nòng cốt khép lại trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả cùng thành tích xuất sắc được trao trong lễ bế mạc và trao thưởng Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong Phụ nữ Quân đội năm 2024. Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Nhường, Nhân viên Ban Dân quân tự vệ (Phòng Tham mưu), Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cho biết: “Chỉ huy các cấp rất quan tâm và đầu tư cho hoạt động giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca cổ truyền. Kết quả chúng tôi đạt được là nhờ Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu, chỉ huy Cục Chính trị thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đóng góp ý kiến để chương trình ngày càng hoàn thiện. Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và thời gian để chúng tôi tập trung luyện tập”.

Bên cạnh sự quan tâm từ cấp trên, để  làn điệu chèo giữ được sức hấp dẫn, lan tỏa không thể thiếu sự đam mê, tâm huyết của cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình thông qua Câu lạc bộ phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru và dân ca. Được thành lập từ năm 2013, với gần 10 thành viên, quy mô của câu lạc bộ được mở rộng theo từng năm, đến nay, đã có gần 20 thành viên và nhiều thành viên danh dự là nam quân nhân công tác tại Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Cứ chiều thứ Sáu hàng tuần, cả câu lạc bộ lại tập trung sinh hoạt, luyện tập. Người biết hát chèo truyền đạt, bồi dưỡng cho người chưa biết. Ai cũng chăm chú lắng nghe với mong muốn bảo tồn và gìn giữ làn điệu chèo truyền thống của quê hương.

Hơn 10 năm hoạt động, câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Là một trong những thành viên tham gia sinh hoạt từ những ngày đầu thành lập câu lạc bộ, Trung tá QNCN Nguyễn Thị Hồng Xuân, Nhân viên Quân nhu (Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình) cho biết: “Ban đầu câu lạc bộ có các anh, chị từng là diễn viên của Đoàn chèo Tỉnh đội Thái Bình tới bồi dưỡng, truyền đạt. Nhưng theo thời gian, sức khỏe các diễn viên lớp trước yếu dần cùng với kinh phí mua sắm đạo cụ đòi hỏi rất lớn khiến hoạt động của câu lạc bộ có nguy cơ bị ngưng lại. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, chúng tôi có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, giao lưu, kết nghĩa với các câu lạc bộ chèo trên địa bàn tỉnh để thành viên có cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng hát chèo”.

Vượt qua khó khăn, thử thách, với niềm đam mê, sáng tạo, các thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru và dân ca Bộ CHQS tỉnh Thái Bình không chỉ gìn giữ mà còn tìm tòi sáng tác lời mới, phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục,… hòa quyện những chủ đề quân sự, pháp luật khô cứng vào làm điệu chèo mềm mại, trữ tình để cán bộ, chiến sĩ dễ nhớ, dễ hiểu, nâng cao ý thức, nhận thức. Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, câu lạc bộ còn mang làn điệu chèo đến thao trường để cổ vũ, động viên, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bộ đội.

Đại tá Hoàng Văn Thanh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cho biết: “Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tạo mọi điều kiện và giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nâng cao nhận thức và trân quý những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Để hoạt động này ngày càng, chất lượng, hiệu quả, chúng tôi chủ động kết nối và mời các nghệ nhân có kinh nghiệm đến trao đổi, biên soạn, sáng tạo nội dung mới, lồng ghép các nhiệm vụ chính trị của đơn vị để phát huy tối đa giá trị, ý nghĩa của làn điệu chèo”.

Phạm Quyết