Góp sức cho ngày thống nhất non sông

Thứ năm, 12/12/2024 - 15:08

Từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vinh dự là pháo thủ của kíp xe tăng số 910 (Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 lịch sử, Cựu chiến binh Trần Văn Nhân ở quận Hải An (thành phố Hải Phòng), luôn trào dâng niềm xúc động, tự hào mỗi khi nhớ về một thời chiến đấu đầy vinh quang.

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Cựu chiến binh Trần Văn Nhân và may mắn được ông kể cho nghe về những kỷ niệm chiến đấu không bao giờ quên của cuộc đời. Ông Nhân sinh năm 1955, quê gốc ở tỉnh Nam Định nhưng lại gắn bó với thành phố Hải Phòng từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời.

Tháng 12/1971, khi tròn 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Trần Văn Nhân xung phong lên đường nhập ngũ. Trải qua 3 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 5 (Sư đoàn 350, Quân khu 3), đóng quân tại Yên Tử (Quảng Ninh), ông Nhân được điều động bổ sung vào đơn vị xe tăng của Trung đoàn 202 (Bộ tư lệnh Tăng Thiết giáp). Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, chiến sĩ xe tăng Trần Văn Nhân cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Giữa năm 1973, đơn vị ông sáp nhập với Trung đoàn 203. Tháng 5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập, Trung đoàn Xe tăng 203 được Bộ Quốc phòng quyết định phát triển thành Lữ đoàn, chiến đấu trong đội hình của Quân đoàn 2.

Cựu chiến binh Trần Văn Nhân hồi tưởng lại kỷ niệm trong những tháng năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bên chén trà thơm nức hương nhài, người cựu chiến binh mái tóc điểm màu sương gió, bồi hồi nhớ lại hào khí của những ngày thần tốc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gần 50 năm trước. Khi đó vào tháng 02/1975, nhận lệnh tiến về giải phóng miền Nam, Lữ đoàn 203 chia làm 2 cánh quân: Cánh thứ nhất gồm Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào Đà Nẵng; cánh thứ hai là Tiểu đoàn 3 leo đèo Hải Vân giải phóng Quảng Trị và Huế. Thời điểm ấy, ông Nhân thuộc biên chế của Tiểu đoàn 1, nhận nhiệm vụ đánh chặn không cho địch rút khỏi Huế, rồi đánh thẳng ra Đà Nẵng. Ngày 29/3, cánh quân của ông Nhân nổ súng tấn công và giải phóng Đà Nẵng ngay trong ngày. Sau khi nghỉ 1 tuần, đoàn quân lại nhận lệnh “hành quân thần tốc” vào giải phóng miền Nam.

Cựu chiến binh Trần Văn Nhân nhớ lại: “Ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Trên hướng mũi của Lữ đoàn 203, Tiểu đoàn Xe tăng 2 cùng các lực lượng của ta tấn công Trường Sĩ quan Thiết giáp Nước Trong, chọc thủng một trong những cứ điểm vững chắc thuộc khu vực phòng thủ vòng ngoài của quân địch. Sau đó, Tiểu đoàn 1 nhận lệnh tiến thẳng về đánh Sài Gòn. Đến chân cầu Sài Gòn, địch chặn, bắn hỏng xe chỉ huy, đồng chí Tiểu đoàn trưởng hy sinh. Bất chấp đòn chống trả hiểm ác của địch, các đơn vị xe tăng của ta vẫn anh dũng tiến lên. Khi chỉ còn cách Dinh Độc Lập khoảng 600 mét, đến lượt tổ xe của chúng tôi bị phục kích, đồng chí Trung đội trưởng Trung đội 1 bị thương. Sau khi gửi lại đồng đội cho đồng bào miền Nam chăm sóc, anh em tiếp tục hành quân. Khi đến Dinh Độc Lập, chúng tôi nhìn thấy xe 390 của ta ở giữa sân, báo hiệu giờ phút chiến thắng đã đến”.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong ngày thống nhất non sông của các chiến sĩ quân giải phóng như ông Nhân khi ấy là hình ảnh từng đoàn quân ta tiến vào Sài Gòn với khí thế hân hoan, sục sôi. Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không chỉ bay trên nóc Dinh Độc Lập mà còn xuất hiện khắp nơi trong thành phố; những tượng đài cùng các công trình biểu tượng của chính quyền cũ lần lượt bị phá bỏ và gỡ xuống... Ông Nhân xúc động hồi tưởng: “Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Các chiến sĩ vui mừng hò reo, ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Ai cũng reo vui mà thốt lên: “Giải phóng rồi!”, “Anh em ơi, miền Nam giải phóng rồi!”... Lòng tôi khi ấy cảm thấy lâng lâng hạnh phúc và tự hào khi bản thân đã được góp một phần công sức nhỏ bé cho thời khắc lịch sử của non sông”.

HẢI HẬU - ANH DŨNG