Hiệu quả sáng kiến “Thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất”
Thứ ba, 26/03/2024 - 10:29
“Từ khi ứng dụng thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất, việc bảo quản pháo sau khi huấn luyện của chúng tôi trở nên nhẹ nhàng, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều”. Đó là chia sẻ của Trung sĩ Bùi Quang Anh, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 (Trung đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 454) về hiệu quả của sáng kiến do Trung úy Nguyễn Tuấn Thành và Trung úy Nguyễn Công Tuyền là đồng tác giả.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 454 học tập cách sử dụng “Thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất”.
Trước đây, việc thông, ken nòng pháo tại Lữ đoàn 454 luôn rất vất vả, thường phải huy động một khẩu đội, dùng phương pháp thủ công rải qua nhiều công đoạn phải mất từ 3 đến 4 giờ mới hoàn thành. Bên cạnh đó, việc thông, ken nòng phải đứng trên cao rất dễ mất an toàn. Để khắc phục khó khăn đó, Trung úy Nguyễn Tuấn Thành, Trung đội trưởng Trung đội 1 (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 454) và Trung úy Nguyễn Công Tuyền, Trung đội trưởng Trung đội 1 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2) đã cùng nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất” góp phần giúp công tác bảo quản, bảo dưỡng pháo của đơn vị được hiệu quả, an toàn hơn.
Công việc thông, ken nòng pháo sau quá trình huấn luyện thường rất vất vả, đơn vị phải huy động 4 chiến sĩ thực hiện với thời gian từ 40 đến 50 phút. Đặc biệt là đối với loại pháo có kích thước lớn như pháo nòng dài 130mm K-59 đòi hỏi nhân lực nhiều hơn. Khi ken nòng, chiến sĩ phải dùng vồ để đóng vừa gây xước, gãy, gây ảnh hưởng đến chất lượng của pháo, nếu trượt tay có thể đập vào người, gây ra chấn thương, mất an toàn.
Để khắc phục khó khăn đó, đồng chí Thành và Tuyền đã cho ra đời sáng kiến “Thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất” gồm các bộ phận chính: máy tời, bộ nhông xích để lắp ráp thành bộ thiết bị truyền chuyển động có kích thước tùy vào từng loại pháo, đầu thông nòng gỗ và lông.
Khi thông, ken nòng, các chiến sĩ chỉ cần gắn bộ truyền chuyển động vào pháo và luồn xích qua nòng pháo và liên kết với nhông của máy tời rồi gắn đầu thông nòng vào xích. Sau khi lắp xong các bộ phận, chiến sĩ bật công tắc điều chỉnh tốc độ quay của máy tời cho phù hợp nhất. Chuyển động quay của máy sẽ được được truyền qua nhông xích để kéo đầu thông nòng vào trong nòng pháo. Khi hết một chu kì tiến hành đảo chiều máy cứ như vậy lặp đi lặp lại đến khi nào kiểm tra thấy nòng pháo sạch.
Nhờ có sáng kiến của đồng chí Thành và Tuyền, quá trình thông, ken nòng pháo chỉ cần đến 2 chiến sĩ với thời gian thực hiện giảm đi rất nhiều. Trong Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024 của Lữ đoàn 454, “Thiết bị thông, ken nòng các loại pháo mặt đất” đoạt giải A và được lựa chọn tham gia hội thi cấp Quân khu. Trung tá Phạm Văn Tăng, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Lữ đoàn cho biết: “Sáng kiến thông, ken nòng pháo của đồng chí Thành và Tuyền khắc phục được những khó khăn, bất cập trong quá trình bảo dưỡng pháo trước đây. Nhờ có tính ứng dụng cao, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho chỉ huy Lữ đoàn có thể được nhân rộng việc thực hiện sáng kiến trong toàn đơn vị”.
Phạm Quyết