LLVT tỉnh Ninh Bình: Thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”
Thứ tư, 25/12/2024 - 10:51
Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Hiệu quả của phong trào đã góp phần giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân…
Mô hình kinh tế của đồng chí Quách Văn Lý hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho chiến sĩ dân quân trong tiểu đội
Xã Phú Long, huyện Nho Quan là một xã miền núi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, thu nhập người dân chủ yếu từ lao động nông nghiệp, lực lượng thanh niên nói chung và lực lượng dân quân nói riêng thường đi làm ăn xa, việc quản lý, huy động và huấn luyện của lực lượng này gặp nhiều khó khăn. Được sự định hướng, động viên giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nho Quan, đồng chí Quách Văn Lý, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động Ban CHQS xã đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện để xây dựng mô hình kinh tế kết hợp vườn, ao, chuồng. Hiện nay, đồng chí Lý đã mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng cây ăn trái gồm: 02 ha cây dứa; 0,5 ha cây ngô, khoai, sắn và các cây ngắn ngày; nuôi một đàn bò và một lợn nái sinh sản, một đàn dê khoảng 100 con, trên 1.000 con gia cầm các loại, 02 ao cá trắm, chép. Thu nhập bình quân của gia đình đồng chí Quách Văn Lý vào khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm cho 05 đồng chí dân quân trong tiểu đội, với mức lương mỗi người từ 5 - 7 triệu động/người/tháng. Năm 2019, đồng chí Quách Văn Lý được UBND huyện Nho Quan tặng giấy khen vì có thành tích trong sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình; liên tục từ năm 2020 đến 2023 được Ban CHQS huyện Nho Quan, UBND xã Phú Long tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và chăn nuôi, trồng trọt giỏi; năm 2024 đồng chí Lý được vinh dự báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019 - 2024.
Bám sát đặc điểm địa phương, Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình đã triển khai xây dựng mô hình hoạt động “Chung tay thắp sáng ước mơ cho em” với mong muốn tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn được tiếp tục học tập, hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS 8 huyện, thành phố, Trung đoàn 855 tiến hành khảo sát, lựa chọn, ký cam kết với gia đình và nhà trường nhận đỡ đầu 01 cháu học sinh trên địa bàn, tổng 09 cháu/năm học; mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/cháu/tháng; thời gian nhận hỗ trợ mỗi học sinh từ 3 năm trở lên cho đến khi các cháu hoàn thành cấp học hiện tại. Từ năm 2020 đến nay, mô hình đã hỗ trợ cho 13 cháu với số tiền hơn 230 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn, song sự giúp đỡ đó là niềm cổ vũ, động viên, là động lực, góp phần giảm đi gánh nặng cho gia đình, giúp các cháu vượt qua khó khăn để tiếp bước đến trường. Nhiều cháu đã vươn lên trong học tập trở thành con ngoan, trò giỏi, đạt học sinh giỏi các cấp. Mô hình được Hội khuyến học tỉnh Ninh Bình lựa chọn và đang nhân rộng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều minh chứng cho sự lan tỏa của phong trào “Dân vận khéo” trong LLVT tỉnh Ninh Bình. Gần đây nhất, để ứng phó với cơn bão số 03 (Yagi), LLVT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở huy động trên 1.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ, 50 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ trực bão, gia cố hơn 2.000 m đê, kè bị sạt lở, kêu gọi 208 tàu, thuyền, 175 chủ lồng, bè, di dời 120 hộ dân với 346 nhân khẩu vào nơi tránh, trú bão; phối hợp tiếp tế nhu yếu phẩm, thuốc y tế cho 2.604 hộ dân khu vực bị nước lũ cô lập. Trong bão lũ, hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn ngời sáng, thực sự là niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân.
Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… LLVT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cấp uỷ, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội các doanh nghiệp trên địa bàn huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 08 “Nhà đại đoàn kết”, 13 “Nhà tình nghĩa”, 02 “Nhà chữ thập đỏ” và trên 4.000 ngày công với số tiền trị giá gần 2 tỷ đồng.
Được về ở ngôi nhà do cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hoa Lư hỗ trợ sửa chữa, bà Nguyễn Thị Hiên (mẹ đẻ đồng chí Trịnh Ngọc Kha, chiến sĩ nhập ngũ 02/2024) thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi rất xúc động trước sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hoa Lư đã giúp đỡ, sửa chữa nhà ở cho gia đình. Chúng tôi sẽ động viên cháu tích cực học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, xứng đáng với sự quan tâm của đồng chí, đồng đội”.
Đại tá Tô Văn Hà, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình cho biết, để phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” tiếp tục lan tỏa sâu rộng, thời gian tới, LLVT tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung đổi mới hoạt động theo hướng thực chất, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng và mọi cá nhân trong xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để LLVT tỉnh Ninh Bình tăng cường củng cố mối đoàn kết quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Đào Văn Mạnh