Nâng cao nhận thức “kế sách bảo vệ hoà bình”, bước phát triển mới trong tư duy chiến lược của đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Thứ sáu, 15/03/2024 - 09:16
Kế sách bảo vệ hoà bình, giữ vững chủ quyền lãnh thổ trong tình hình hiện nay là những tư tưởng, định hướng lớn của Đảng ta trong việc hoạch định những chủ trương, quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa nhằm chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, những nguy cơ gây đột biến; đồng thời, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại tá Ngô Quốc Bảo
Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Nam
Hòa bình luôn là nguyện vọng chính đáng, khao khát của mọi quốc gia dân tộc. Đối với dân tộc ta, hòa bình là giá trị thiêng liêng, nền tảng cho sự phát triển ổn định, là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc, tạo nền tảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đã khẳng định, lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã thực thi chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, vừa xây dựng tinh thần hòa hiếu với các nước láng giềng, vừa vận động tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới để tạo dựng môi trường hòa bình.
Lực lượng DBĐV thực hành đánh địch đổ bộ đường không trong diễn tập KVPT tỉnh Hà Nam năm 2023
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 44 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, Đảng ta khẳng định: Thực hiện phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến; nắm chắc tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, những nguy cơ gây đột biến; đồng thời, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây chính là những tư tưởng, định hướng lớn trong việc hoạch định những chủ trương, kế sách bảo vệ hoà bình, giữ vững chủ quyền lãnh thổ trong tình hình hiện nay; bước phát triển mới trong tư duy chiến lược của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Từ quan điểm của Đảng chúng ta nhận thấy, mục tiêu chiến lược bảo vệ Tổ quốc được mở rộng, hoàn thiện, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đầy đủ. Đó là, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền văn hóa và lợi ích quốc gia dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, nội hàm bảo vệ Tổ quốc được mở rộng, hoàn thiện, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; mục tiêu chiến lược bảo vệ Tổ quốc không chỉ đơn thuần là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trước sự tấn công xâm lược từ bên ngoài, mà còn giữ vững ổn định bên trong, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền văn hóa và lợi ích quốc gia dân tộc nhằm giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là chỉ ở đất liền mà còn mở rộng, bao trùm sang các phạm vi khác. Đó là, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế; bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, trên không gian mạng. Đặc biệt là phải bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân.
Cùng với với việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thì Đảng ta xác định phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Vì giữ vững môi trường hòa bình là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc, tạo nền tảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình là biện pháp phù hợp, không để đất nước xảy ra xung đột vũ trang hoặc là chiến tranh, là điều kiện bảo vệ vị thế của đất nước, tạo thế chủ động về mặt chiến lược để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ, không để xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh, sẵn sàng giành thắng lợi, nếu xảy ra chiến tranh.
Nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giảm bất đồng, xung đột để đạt lợi ích cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong quan hệ đối ngoại. Đây được coi là ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể huy động được sức mạnh thời đại cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là một chủ trương nhằm tranh thủ sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thông qua con đường ngoại giao để xây dựng lòng tin chiến lược đối với các đối tác, hóa giải các mâu thuẫn, giảm thiểu các bất đồng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến lợi ích quốc gia, dân tộc; ngoài ra, còn quảng bá hình ảnh của đất nước của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam với các nước, mở rộng quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kế sách bảo vệ hoà bình đã góp phần quan trọng vào mục tiêu bao trùm, tổng quát được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8, khoá XIII về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thể hiện sự mềm dẻo, khôn khéo về sách lược của Đảng ta để giữ vững môi trường hoà bình và chủ quyền lãnh thổ; kiên quyết, kiên trì giữ vững nguyên tắc, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định với nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, kiên định vững vàng không hoang mang trước những khó khăn phức tạp; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình và các thành quả cách mạng, kiên quyết giữ vững sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, kiên quyết đấu tranh phòng, chống với diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, đấu tranh với các vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cơ hội chính trị, cục bộ, lợi ích nhóm hay là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; kiên trì vừa hợp tác vừa đấu tranh, giải quyết các vấn đề tranh chấp mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiên trì bám sát thực tiễn địa bàn cơ sở để mà phát hiện ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi từ sớm, từ xa mọi nguy cơ xung đột chiến tranh, kiên trì trong việc giáo dục thuyết phục cảm hóa người lầm đường lạc lối, kiên trì trong việc phòng ngừa đi đôi với nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật chống phá đất nước, xâm phạm đến lợi ích quốc gia của dân tộc Việt Nam.