Nhân tố thúc đẩy hợp tác thương mại Nga - Ấn Độ

Thứ năm, 08/08/2024 - 14:26

Moscow và New Delhi đang nỗ lực phát triển Hành lang hàng hải phía Đông (EMC), tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ cảng Vladivostok, vùng Viễn Đông nước Nga đến cảng Chennai, phía Đông Nam Ấn Độ để đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương.

Theo trang tin russiaspivottoasia.com, chuyên cung cấp thông tin về chính sách xoay trục hướng Đông của Nga, hiện tại, khoảng cách giữa cảng Mumbai (Ấn Độ) và cảng Saint Petersburg (Nga) theo Tuyến đường biển phía Tây qua kênh đào Suez là 16.066km. Đây là tuyến đường vận chuyển hàng hóa truyền thống được sử dụng giữa Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đang tác động đến việc quá cảnh qua kênh đào Suez. Trong khi đó, khoảng cách từ cảng Vladivostok của Nga đến cảng Chennai của Ấn Độ là 10.458km. Do đó, sử dụng EMC sẽ rút ngắn thời gian và quãng đường di chuyển, giảm đáng kể chi phí hậu cần, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ và Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm chính thức Nga vào tháng 7-2024. 

Trên thực tế, tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ cảng Vladivostok đến cảng Chennai đã được hai bên sử dụng trong thời kỳ Liên Xô. Tuy nhiên, khi khối lượng thương mại hàng hóa giảm sau thập niên 1990, tuyến đường này trở nên im ắng. Ngày nay, EMC đang trở thành mối quan tâm chính trong việc phát triển quan hệ thương mại giữa Nga-Ấn Độ nói riêng và giữa Nga với khu vực Nam Á nói chung. Vào tháng 9-2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thành phố Vladivostok của Nga để tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông. Tại đây, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển tuyến đường biển giữa cảng Chennai và cảng Vladivostok để vận chuyển than, dầu, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phân bón và các loại hàng hóa khác.

Sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu chở hàng trên Biển Đỏ từ tháng 11-2023, Nga và Ấn Độ càng đặc biệt quan tâm tới EMC. Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào kênh đào Suez để giao thương với châu Âu, Tây Á và châu Phi, phải đối mặt với những hậu quả đáng kể từ cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ vì khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông. Đối với quốc gia Nam Á, cuộc khủng hoảng này không chỉ làm gia tăng mối lo ngại về an ninh năng lượng mà còn làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa. Về phần Nga, các tàu và lô hàng của nước này đi qua kênh đào Suez không phải là mục tiêu chính của Houthi. Tuy nhiên, việc chuyển hướng tàu khỏi kênh đào Suez và Biển Đỏ, thay vào đó lựa chọn tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng, phía Nam châu Phi, đã dẫn đến giá cước vận chuyển tăng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga hồi tháng 7 vừa qua, phát biểu trước cộng đồng người Ấn Độ đang sinh sống ở Nga, Thủ tướng Modi nêu rõ New Delhi và Moscow đang nỗ lực xây dựng EMC. Trước đó, để thúc đẩy việc phát triển EMC, vào đầu năm nay, ông Anatoly Bobrakov, Thứ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, đã có mặt tại cảng Chennai và tham dự Hội thảo Ấn Độ-Nga về vận hành EMC. Ông Bobrakov cho biết: “Hiện nay, hàng hóa phải mất 40 ngày để đến Nga qua kênh đào Suez, nhưng khi EMC đi vào hoạt động, thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ giảm 40% xuống còn 24 ngày”. Về phần mình, ông Sarbananda Sonowal, Bộ trưởng Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ, tuyên bố rằng vận hành EMC sẽ giúp giảm đáng kể chi phí hậu cần và tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. New Delhi và Moscow cũng đang kêu gọi các công ty tư nhân tham gia đầu tư vào việc phát triển EMC.

TASS dẫn thông tin từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, đến cuối năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ-Nga lên tới 65 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với năm 2022. Hàng xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ chủ yếu là nhiên liệu, khoáng sản, đá quý và kim loại. Ấn Độ cung cấp các sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy móc, thiết bị điện tử và nông sản cho Nga. Kim ngạch thương mại Nga-Ấn Độ đang tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024. Trong chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Modi vừa qua, hai bên đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2030.

Trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại Nga-Ấn Độ, EMC được coi là nhân tố quan trọng vì hành lang này đưa ra một lộ trình khả thi cho hợp tác thương mại giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ. EMC có thể góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và lợi ích chung của Moscow và New Delhi khi hai bên tìm cách đa dạng hóa thị trường, đồng thời tạo điều kiện để Nga ứng phó với những thách thức từ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, EMC cũng có thể giúp cách mạng hóa toàn bộ hoạt động thương mại của Nga tại châu Á và cung cấp chuỗi cung ứng ổn định cho tất cả những bên tham gia trong khu vực.

Theo QĐND