Nơi con đường Cộng Sản đi qua

Thứ tư, 10/04/2024 - 14:01

Những ngày tháng Tư này, đi trên con đường Cộng Sản chạy dài từ xã Chí Hòa (huyện Hưng Hà) qua xã Hồng Việt, Liên Hoa đến xã Hồng Bạch (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) – nơi in dấu cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng – Duyên Hà ngày 1/5/1930, chúng tôi cảm nhận được nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử vẫn đang cổ vũ cho các thế hệ cán bộ, nhân dân địa phương đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xã Chí Hòa (huyện Hưng Hà) là địa phương có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm. Theo lịch sử Đảng bộ địa phương, ngay từ đầu năm 1928, sau khi Ban Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Thái Bình thành lập, trên địa bàn Thần Duyên, trong đó xã Chí Hòa là trung tâm đã thành lập một chi bộ thanh niên gồm 6 đồng chí, do đồng chí Bùi Hữu Diên làm Bí thư. Đến tháng 7/1929, tại thôn Nhuệ đã diễn ra hội nghị thành lập Liên chi bộ đảng Thần Duyên. Đây là liên chi bộ Đảng đầu tiên của hai huyện Duyên Hà – Tiên Hưng, cũng là 1 trong 6 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, Liên chi bộ Thần Duyên đã chèo lái con thuyền cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh gian khổ, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1950.

Cây đa chợ Khô, xã Liên Hoa (huyện Đông Hưng) là địa điểm tập hợp quần chúng đấu tranh ngày 1/5/1930.

Dẫn chúng tôi tới thăm di tích cách mạng Trường Tổng Vị Sĩ, anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa cho biết: Nơi đây trước là nơi hội họp của Chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội, sau đó cũng là nơi hoạt động của Chi bộ Cộng sản Thần Duyên. Sáng sớm 1/5/1930, sau tiếng trống hiệu lệnh vang lên tại các làng thuộc Liên Chi bộ Thần Duyên, hàng nghìn quần chúng hai huyện Duyên Hà, Tiên Hưng kéo đến nơi tập trung tại gốc đa chợ Khô (nay là xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng) tổ chức tuần hành biểu tình, vượt qua bến đò Thọ Vực (xã Minh Phú, huyện Đông Hưng) đến thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) để đấu tranh trực diện với chính quyền tay sai đòi giảm sưu, giảm thuế, đòi dân chủ dân sinh.

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 và là 1 trong 5 cuộc biểu tình lớn của nông dân cả nước lúc bấy giờ. Mặc dù bị đàn áp dã man, song đây là tín hiệu mở đầu cho các phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930, góp phần đáng kể vào cao trào cách mạng chung của cả nước; là bước tập dượt đầu tiên, chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hơn 90 năm đã trôi qua, những người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình nay đã không còn nữa, con đường in dấu những bước chân của đoàn người đi biểu tình, nối liền những chứng tích lịch sử năm ấy như nhà thờ họ Bùi, đình làng Nhuệ, Trường  Tổng Vị Sĩ (xã Chí Hòa); chợ Hôm Hưng, đình Đông, đình Quán, đình Bá Thôn (xã Hồng Việt) hay cây đa chợ Khô (xã Liên Hoa)…, nay được đặt tên là đường Cộng Sản, thuộc ĐH.62 đã được đầu tư, nâng cấp, trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch của các xã duyên giang phía tả sông Trà Lý của các huyện Hưng Hà, Đông Hưng. Phát huy truyền thống vùng đất anh hùng cách mạng, kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới đến nay, Đảng bộ, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là xây dựng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và chương trình giảm nghèo bền vững. Từ một địa phương thuần nông, đến nay, xã Hồng Việt (huyên Đông Hưng) đang từng bước trở thành “thủ phủ” hoa và cây cảnh, với trên 100ha vườn, đem lại thu nhập bình quân 280 - 300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, đời sống nhân dân địa phương không ngừng được nâng lên, diện mạo làng quê có nhiều đổi mới.

Không riêng xã Hồng Việt, ở xã Chí Hòa (huyện Hưng Hà) đã thành công với các mô hình chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết được tình trạng nông dân bỏ ruộng. Cùng với đó, xã Chí Hòa đã hướng tới mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện nay, 100% đường giao thông trục xã, trục chính các thôn, đường nhánh cấp I và các tuyến đường trục chính nội đồng, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang; thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, góp phần đưa Chí Hòa trở thành một trong 4 xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Hưng Hà.

Tự hào trước sự đổi thay của quê hương, ông Đặng Đình Viên ở xã Liên Hoa cho biết: “Xưa, nhân dân ba xã Hồng Việt, Liên Hoa, Chí Hòa cùng vùng lên đấu tranh trước ách thống trị của thực dân phong kiến, thì nay đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Chúng tôi tự hào khi được sinh ra trong cái nôi cách mạng này, và luôn tin tưởng rằng, truyền thống yêu nước, cách mạng ấy sẽ luôn là tiền đề, điểm tựa để cán bộ và nhân dân các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Tất Đạt