Công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn Quân khu: Triển khai sâu rộng, sát từng đối tượng
Thứ ba, 26/03/2024 - 08:55
Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) trên địa bàn Quân khu được triển khai nền nếp, sâu rộng trong toàn dân. Đặc biệt, Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu và các địa phương đã có nhiều biện pháp, hình thức bồi dưỡng, tuyên truyền phổ biến linh hoạt, sát với từng đối tượng, địa bàn dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực.
Là địa phương trọng điểm về tôn giáo của Quân khu với ba tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin lành nên ngoài tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định, tỉnh Nam Định cũng rất chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo. Hằng năm Bộ CHQS tỉnh phát huy vai trò cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh để rà soát số lượng chức sắc, chức việc, từ đó tham mưu mở các lớp bồi dưỡng tập trung. Từ năm 2021 đến nay đã mở 12 lớp cho 1.692 chức sắc, chức việc. Riêng các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, nhà tu hành thường được triển khai trong các dịp “An cư kiết hạ” tại các cơ sở Phật giáo.
Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh Nam Định trao giấy chứng nhận cho học viên lớp 2 bồi dưỡng kiến thức đối tượng 3 năm 2023
Thượng tá Nguyễn Hải Tăng, Trưởng ban Dân quân Tự vệ (Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Nam Định) kiêm Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh Nam Định cho biết: Nội dung bồi dưỡng tập vào quan điểm, đường lối, cơ chế lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ QP-AN; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho giáo dân đối với nhiệm vụ QPAN; phát huy truyền thống yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo” của tín đồ; giúp việc triển khai một số nhiệm vụ như huấn luyện dân quân tự vệ, tuyển quân được thuận tiện hơn; qua đây nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quốc phòng quân sự địa phương”.
Đối với đặc thù Hòa Bình là tỉnh miền núi, đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông chiếm khoảng 74% dân số toàn tỉnh; nhận thức của bà con còn hạn chế, đời sống đồng bào ở nhiều vùng còn khó khăn, lạc hậu nên công tác giáo dục QP-AN được các địa phương chú trọng mở rộng đến các già làng, trưởng bản. Từ năm 2020 đến này Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh Hòa Bình đã mở 8 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 692 lượt già làng, trưởng bản, chủ hộ gia đình người Mông của hai xã đặc biệt khó khăn là Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu) và một số xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao.
Thượng tá Bùi Văn Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi kết hợp mở các lớp bồi dưỡng tập trung cho già làng, trưởng bản với đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho bà con dân bản thông qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ bằng tiếng đồng bào và tiếng kinh, đồng thời cử các tổ, đội công tác đến tận gia đình đồng bào để vận động. Kết hợp tuyên truyền về QP-AN với hướng dẫn bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giúp chất lượng giáo dục được nâng lên”.
Không chỉ có hai tỉnh Hòa Bình và Nam Định, khảo sát thực tế chúng tôi thấy những năm qua Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp trên địa bàn Quân khu làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động kiện toàn hội đồng đủ số lượng, đúng thành phần. Các địa phương, cơ quan, đơn vị nắm chắc số lượng từng đối tượng, xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng tập trung theo đúng quy định. Năm 2023, Quân khu và các địa phương trên địa bàn đã tổ chức 848 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tập trung cho 66.743 người, chất lượng tốt.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN, Quân khu lựa chọn một số địa phương có tính chất đặc thù riêng sau đó chỉ đạo triển khai mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN làm trước, rút kinh nghiệm. Điển hình như năm 2023 Quân khu chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh Nam Định mở một lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 250 chức sắc, chức việc tôn giáo và huyện biên giới Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) mở một lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 50 già làng, trưởng bản, trưởng họ tộc. Trên cơ sở đó, Quân khu chỉ đạo các địa phương tham quan, học tập, rút kinh nghiệm, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập sau đó phổ biến, triển khai rộng rãi.
Đại tá Ngô Xuân Khiên, Trưởng phòng Dân quân Tự vệ (Bộ tham mưu Quân khu) kiêm Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu cho biết: “Năm 2023 chúng tôi chỉ đạo 5 trung tâm giáo dục QP-AN và 8 trường trên địa bàn tự chủ môn học này tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi. Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu tăng cường kiểm tra và yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tổ chức kiểm tra công tác giáo dục QP-AN được từ 20 đến 25% đầu mối cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc. Thông qua đó đánh giá thực chất chất lượng giáo dục QP-AN tại cơ sở để có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh những hạn chế, khắc phục triệt để thiếu sót”.
Cùng với mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tập trung, Quân khu chỉ đạo các nhà trường, trung tâm giáo dục QP-AN thực hiện tốt nội dung, chương trình giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân được triển khai thường xuyên, sâu rộng thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, hội nghị, sinh hoạt. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và toàn dân về quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu ngày càng vững chắc; giữ vững ổn định chính trị, địa bàn an toàn.
Nguyễn Trường