Lữ đoàn Công binh 513: Sẵn sàng với nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình

Thứ sáu, 22/11/2024 - 07:26

Xác định giúp nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim, những năm qua, cùng với tổ chức huấn luyện giỏi, SSCĐ cao, Lữ đoàn Công binh 513 còn tích cực tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai. Tinh thần “vì nhân dân quên mình” của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân và làm nhiệm vụ ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 513 giúp nhân dân thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) dọn cây gãy đổ sau bão số 3

Có mặt tại một buổi huấn luyện của Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 513) với tình huống giả định là 1 cây cầu dân sinh trên địa bàn bị sập, nước dâng cao, 1 địa phương bị cô lập, các loại thuyền nhỏ, ca nô không thể vượt sông do nước chảy xiết. Nhận mệnh lệnh từ cấp trên, Tiểu đoàn cử lực lượng tiền trạm trinh sát, đánh giá tình huống trước khi đội hình trang thiết bị xuống nước lập cầu phao vượt sông. Dù thời tiết phức tạp nhưng các chiến sĩ lái xe chở phà vẫn tự tin lùi xe xuống nước thẳng hướng bến đã được xác định để thả phà. Theo tín hiệu của chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhanh chóng lắp ghép phà để hình thành cầu phao vượt sông.

Tham gia huấn luyện, Binh nhất Vũ Tiến Anh, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 10 chia sẻ: “Việc lắp ghép phà làm cầu vượt sông là một trong những nội dung khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận. Tuy nhiên, nhờ huấn luyện tốt phần lý thuyết, nắm chắc tính năng, tác dụng của phương tiện nên việc thực hành được triển khai nhanh chóng và chúng tôi đã hoàn thành nội dung huấn luyện bảo đảm về thời gian và an toàn”.

Để xử lý tốt trong mọi tình huống thiên tai xảy ra, Lữ đoàn 513 được biên chế nhiều phương tiện, trang thiết công binh bị hiện đại như: Phà vượt sông, ca nô, máy ủi, xe truyền tín hiệu, xuồng cao tốc, hệ thống máy cắt, phá bê tông, hệ thống rà phá bom mìn… giúp thực hiện nhiều nhiệm vụ trong các tình huống khó khăn.

Trung tá Nguyễn Văn Thành, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 cho biết: “Dù được trang bị những phương tiện hiện đại, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, trong đó có công tác cứu hộ, cứu nạn, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao. Vì trên sông nước lúc thiên tai xảy ra luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, nguy hiểm. Ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện, tăng cường huấn luyện sát với thực tế, địa bàn, chúng tôi còn tích cực rèn luyện ý chí quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mục tiêu đề ra là khi có tình huống xảy ra phải cơ động nhanh, ứng phó kịp thời, tập trung cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Nhờ tăng cường công tác huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện phù hợp với địa bàn, điều kiện tác chiến nên Lữ đoàn 513 đã tham gia nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn. Một trong những hoạt động cứu hộ, cứu nạn hiệu quả của đơn vị là khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào miền bắc nước ta. Ngay khi nhận yêu cầu giúp đỡ từ các địa phương trên địa bàn, Lữ đoàn 513 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện, máy móc để chằng chống nhà cửa, gia cố đê, kè, thu dọn cây gãy đổ, bảo đảm giao thông thông suốt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn dũng cảm, hết lòng giúp đỡ nhân dân. Trong đó, Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513) đã hi sinh khi làm nhiệm vụ chống bão tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Đình Khiêm đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Đại tá Nguyễn Trọng Tiến, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 513 cho biết: “Bên cạnh nhiệm vụ trực, SSCĐ, chúng tôi xác định huấn luyện cứu hộ, cứu nạn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lữ đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ sát với điều kiện, địa bàn đóng quân. Khi có tình huống xảy ra, đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhanh chóng nhưng chú trọng bảo đảm an toàn, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”.

PHẠM QUYẾT