Kinh tế Việt Nam vững bước tăng trưởng
Thứ tư, 03/01/2024 - 14:01
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ duy trì tăng trưởng theo hướng tích cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Khép lại một năm đầy biến động về mọi mặt, kinh tế toàn cầu tiếp tục bước vào năm 2024 với “bức tranh” không mấy tươi sáng. 4 năm sau khi virus SARS-CoV-2 bùng phát, thế giới vẫn chưa hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đó. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế toàn cầu vào năm 2023 ở mức 3% và giảm nhẹ dự báo năm 2024 xuống 2,9%. Thậm chí, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% vào năm nay, từ mức 2,9% trong năm ngoái. Những dự đoán trên chủ yếu dựa vào diễn biến tình hình địa chính trị thế giới, nhất là hai cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas. Tuy nhiên, bất chấp “cơn gió ngược” đó, một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn được dự báo sẽ giữ đà phục hồi và vững bước tăng trưởng.
Công nhân làm việc trong Nhà máy ô tô Vinfast tại TP Hải Phòng, Việt Nam.
Một nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn Oxford Economics, do Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) ủy quyền thực hiện, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 khoảng 4,7%, sau đó tăng dần lên 5% trong năm 2024 và khởi sắc bứt phá trong trung hạn. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Oxford Economics đánh giá Việt Nam là nước tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc ở khu vực Đông Nam Á trong năm ngoái. Điều này xuất phát từ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất do giá trị xuất khẩu tăng trong bối cảnh xuất khẩu hàng điện tử được cải thiện, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như Chính phủ tăng đầu tư công.
Trong khi đó, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 xuống 5,2% so với dự báo 5,8% trước đó, nhưng kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ lên mức 6% vào năm 2024. Cùng với đó, các chuyên gia ADB đánh giá cao chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động của Chính phủ Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục, đều góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2023 và có thể chỉ tăng nhẹ trong năm nay.
Ngoài ra, Bloomberg cho biết Việt Nam là một trong 5 nước được nhắc tới từ sự tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia. Nhóm này đang nổi lên như những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Bloomberg thống kê, 5 nước trên chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu nhưng lại thu hút hơn 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tương đương 550 tỷ USD, trong tổng số các dự án mới đầu tư vào lĩnh vực xanh kể từ năm 2017. Bloomberg cũng cho rằng, nền kinh tế đang phát triển nhanh giúp Việt Nam trở thành “miền đất hứa” đối với các công ty khởi nghiệp. Đồng quan điểm, trang tin về thị trường tài chính Seeking Alpha (Israel) cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng, trong đó phải kể đến lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, tài nguyên thiên nhiên phong phú và mối quan hệ thương mại quan trọng với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Seeking Alpha nêu rõ, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với thương mại toàn cầu và Việt Nam là điểm đến rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư vào thị trường mới nổi.
Dẫu vậy, môi trường toàn cầu đầy thách thức vẫn sẽ tác động đến sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác. Theo ADB, rủi ro với đà tăng trưởng trong thời gian tới là khả năng phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu từ thị trường quốc tế. Các quốc gia lớn duy trì chính sách lãi suất cao có thể góp phần gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Mặt khác, khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Nino hoặc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực lương thực và năng lượng.
Theo QĐND