Tiểu đoàn Đặc công 41 (Bộ tham mưu Quân khu): Coi trọng huấn luyện thể lực
Thứ hai, 26/08/2024 - 14:09
Là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sức bền, sự dẻo dai, chịu đựng được điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do đó, những năm qua, Tiểu đoàn Đặc công 41 (Bộ tham mưu Quân khu) luôn quan tâm đến công tác huấn luyện thể lực cho bộ đội đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng cơ động thực hiện các nhiệm vụ “đặc biệt” trong mọi tình huống.
Chúng tôi đến Tiểu đoàn Đặc công 41 khi đơn vị đang tổ chức giờ thứ 8. Tại sân bóng, chiến sĩ Đại đội 1 (Tiểu đoàn Đặc công) đang bước vào vòng chạy cuối ở cự ly 3.000 m. Sau buổi tập, chúng tôi trò chuyện với Binh nhất Lò Văn Giáp, Chiến sĩ Tiểu đội 4 (Trung đội 2, Đại đội 1) được biết, đồng chí Giáp từng có thể lực thuộc tốp thấp trong đơn vị. Từ chỗ chỉ co tay xà đơn được 8 lần, nhờ được huấn luyện các nội dung thể lực đều đặn hàng ngày, nay đồng chí đã co tay xà đơn được 16 lần. Đối với chạy cự ly 3.000 m, đồng chí Giáp cho biết, lúc đầu tập chạy rất mệt, còn bây giờ, cán đích rồi vẫn có thể chạy thêm nữa.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 41 tổ chức huấn luyện thể lực thường xuyên đối với bộ đội
Thượng úy Vũ Tuấn Anh, Chính trị viên phó Đại đội 1 chia sẻ: “Huấn luyện thể lực đối với bội đội đặc công có rất nhiều bài tập khó, cường độ cao. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận chiến sĩ về đơn vị, chúng tôi động viên, tuyên truyền, giáo dục để bộ đội hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huấn luyện thể lực. Đơn vị tổ chức cho bội đội xem video hoặc cử các đồng chí chiến đấu viên có thể lực tốt thực hiện các bài tập, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn để tạo động lực, khiến chiến sĩ vượt qua sự e ngại và có niềm tin vào bản thân có thể thực hiện được các bài tập khó như: công phá, bơi, lặn thời gian dài,…”
Bên cạnh giáo dục tuyên truyền, theo đồng chí Chính trị viên phó Đại đội 1, đối với mỗi đối tượng, đơn vị đều tổ chức kiểm tra sức khỏe, phân loại thể lực, có phương pháp rèn luyện riêng theo phương châm “Từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Hàng tuần, đơn vị cho bộ đội hành quân rèn luyện với mức độ tăng dần về cự ly và khối lượng mang vác (đối với chiến sĩ năm thứ nhất hành quân 3-4km, mang vác 15kg; năm thứ 2 tăng lên 20-25kg, cự ly hành quân từ 5-7km). Hàng ngày, vào giờ thể dục sáng và giờ thứ 8, các phân đội duy trì tốt các hoạt động tại bãi thể lực, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ co tay xà đơn, chống đẩy xà kép, nâng tạ 25kg, nhảy xa…để rèn luyện cho bộ đội tố chất “nhanh, mạnh, bền”. Phong trào thể dục, thể thao trong đơn vị cũng được đẩy mạnh. Vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, hoạt động giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…giữa các đơn vị rất sôi nổi, vừa tăng cường tính đoàn kết, kỷ luật, vừa rèn luyện sức khỏe cho bộ đội. Trong đó, đội ngũ cán bộ các cấp trong đơn vị luôn phát huy vai trò tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo bộ đội tập luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả và đề ra biện pháp tiếp tục thực hiện mang tính khả thi cao.
Để tạo sân chơi, khuyến khích tính tự giác, giúp huấn luyện, rèn luyện thể lực trở thành hoạt động thường xuyên của bộ đội, chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công 41 còn thành lập các câu lạc bộ như: võ chiến đấu tay không, thể hình,…. để cán bộ, chiến sĩ nhất là các đồng chí mới làm quen với chuyên ngành đặc công có cơ hội học hỏi các chiến đấu viên có kinh nghiệm. Binh nhất Ngần Văn Thiệu, Chiến sĩ Tiểu đội 7 (Trung đội 3, Đại đội 1) chia sẻ: “Nhờ tham gia các câu lạc bộ, tôi có điều kiện luyện tập thêm các động tác võ hoặc biết cách luyện tập thể hình một cách khoa học, bài bản”.
Do duy trì luyện tập thể lực bài bản, thường xuyên, nên sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công được nâng lên “tăng sức bền, thêm sức dẻo”, tăng sức đề kháng trong mọi điều kiện thời tiết, giữ vững tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 99%, qua đó góp phần không nhỏ giúp đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong công tác huấn luyện, kết quả 100% đạt khá trở lên. Đây là cơ sở quan trọng để đơn vị tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu; huấn luyện các nội dung khó như: nhảy dù, đổ treo,…
Trung tá Lương Văn Thiệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 41 chia sẻ: “Quân nhân nói chung đòi hỏi phải có sức khỏe, đối với đơn vị đặc công lại yêu cầu cán bộ, chiến sĩ càng phải có nền tảng thể lực đặc biệt. Bởi vậy, quá trình huấn luyện, cùng với chú trọng rèn luyện cho bộ đội thành thạo các kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, chỉ huy Tiểu đoàn hết sức quan tâm rèn luyện thể lực cho bộ đội. Đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện các nội dung thể lực theo đúng chương trình quy định. Quá trình rèn luyện thể lực cho bộ đội, đơn vị vận dụng linh hoạt, từ duy trì các chế độ thể dục sáng, thể thao chiều, hành quân rèn luyện, chạy vũ trang... đến hội thao, hội thi và huấn luyện chuyên ngành để chiến sĩ nỗ lực phấn đấu”.
Phạm Quyết