Trận vận động phục kích Bần Yên Nhân góp phần làm ngưng trệ việc vận chuyển vũ khí của địch cho các chiến trường

Thứ hai, 08/04/2024 - 09:38

Đường quốc lộ số 5 là con đường chiến lược quan trọng nối liền cảng Hải Phòng với Hà Nội, quãng đường từ Bần Yên Nhân đến Như Quỳnh dài hơn 6 km nằm trên địa phận huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), địch đã thiết lập hành lang an toàn gồm một hệ thống cứ điểm, tháp canh, hương đồn và quân cơ động dọc tuyến đường để hỗ trợ nhau. Từ vị trí này đến vị trí khác có một bộ phận dò mìn và một trung đội canh gác, cảnh giới ngày đêm để bảo vệ vận chuyển. Từ khi quân ta hoạt động mạnh và tiêu diệt một số cứ điểm địch trên đường sắt và đường 5, địch phải điều binh đoàn cơ động số 3 về rải trên đường 5 để tăng cường bảo vệ, hàng ngày phái từng đại đội, tiểu đoàn bộ binh hành quân, vừa tuần tiễu, vừa sẵn sàng ứng chiến. Quy luật hoạt động của địch là: Trước khi hành quân cho pháo ở Bần Yên Nhân bắn vào các làng ở ven đường và cho máy bay đi trinh sát. Khi hành quân chúng thường chia làm 3 mũi: Mũi chính có xe cơ giới đi trên đường, hai mũi phụ đi hai bên đường cách từ 500 - 700m sục sạo vào các làng ven đường để phát hiện quân ta.

Đồn Bần - chứng tích trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ

Để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, chấp hành chỉ thị của Tổng Quân ủy và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Liên khu ủy giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 42 (do đồng chí Nguyễn Như Thiết làm Trung đoàn trưởng, Nguyễn Vũ làm Chính ủy) mở một đợt hoạt động trên đường 5 và đường sắt nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm ngừng trệ việc vận chuyển binh khí, kỹ thuật của chúng tiếp tế cho các chiến trường, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích tạo cơ sở vững chắc cho nhân dân đấu tranh với địch cả về quân sự, kinh tế, chính trị.

Lực lượng tác chiến của ta gồm Tiểu đoàn 698, Tiểu đoàn 652 và đại đội địa phương huyện Phù Cừ, có nhiệm vụ tiêu diệt tiểu đoàn lính Âu (thuộc GM3), hàng ngày vẫn đi mở đường ở đoạn này. Tiểu đoàn 698 do đồng chí Lê Mật, Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Miêu, Chính trị viên chỉ huy; Tiểu đoàn 652 do đồng chí Đoàn Văn Vang, Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lê Sĩ Thắm, Chính trị viên chỉ huy. Ngoài ra còn có sự phối hợp tác chiến của 2 đại đội địa phương huyện Văn Giang, Yên Mỹ và 1 trung đội cối 81mm kiềm chế pháo địch ở Lực Điền, Bần Yên Nhân, Như Lân.

19 giờ ngày 20 tháng 04 năm 1954 từ vị trí tập kết, các đơn vị hành quân theo đường đã quy định. Sau 5 giờ hành quân các đơn vị đã đến khu vực phục kích. 2 giờ ngày 21 tháng 04 các bộ phận vào chiếm lĩnh trận địa, có du kích địa phương dẫn đường. 6 giờ 10 ngày 21 tháng 4, máy bay trinh sát địch bay dọc tuyến đường 5 như thường lệ, Trung đoàn 42 được tin đài quan sát báo về: Địch ở Bần Yên Nhân bắt đầu tiến quân theo đường 5 đi về phía trận địa ta, đồng thời bọn địch ở Như Quỳnh cũng đang tiến xuống ngã ba Đình Dù, Trung đoàn trưởng thông báo tình hình địch và hạ lệnh cho các đơn vị chuẩn bị chiến đấu, các đài quan sát tiếp tục theo dõi nắm chắc hành động của địch báo cáo kịp thời về trung đoàn.

Quân địch ở Bần Yên Nhân tiếp tục tiến vào trận địa ta, nhưng hành động thận trọng hơn vì đã tới khu vực làng mạc, địa hình phức tạp. Cánh đi bên phải đường cho một bộ phận sục sạo vào thôn Thái Lạc, còn phần lớn đi vòng qua thôn Ngô Miếu sang Thái Lạc, Đình Dù, rồi tiến ra đường 5 hợp điểm với các cánh khác. 7 giờ 25, bộ binh, cơ giới địch đã lọt vào trận địa của ta khoảng hơn 400 tên. Trung đoàn trưởng liền ra lệnh cho lực lượng chủ yếu và bộ phận khóa đuôi bí mật vượt sông, lợi dụng địa hình địa vật tiếp cận các bộ phận khác, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. 7 giờ 35, Trung đoàn trưởng hạ lệnh tiến công. Khối bọc phá 15 kg ở sở chỉ huy trung đoàn nổ, phát lệnh cho toàn trận địa bắt đầu nổ súng. Quân địch bị đánh bất ngờ, đội hình rối loạn, quân ta dùng hỏa lực trung niên, đại liên, ĐKZ diệt địch, yểm hộ cho bộ binh xung phong, tạo thành thế bao vây chia cắt địch.

Để đối phó lại, địch dùng đại liên lợi dụng địa hình, địa vật ở đầu làng Tuấn Dị, Nhạc Lộc, Đình Dù bắn vào đội hình của Đại đội 1 và Đại Đội 3 đang xung phong, làm mấy chiến sĩ của ta bị thương. Tiểu đoàn trưởng Lê Mật ra lệnh cho Đại đội 1 và Đại đội 3 tập trung hỏa lực bắn mãnh liệt, kiềm chế hỏa lực địch, chi viện cho bộ binh tiếp tục xung phong tiêu diệt quân địch.

Chỉ trong 35 phút chiến đấu quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn lính Âu tinh nhuệ thuộc binh đoàn cơ động số 3 của Pháp, gồm 179 tên bị tiêu diệt, 64 tên bị thương, bắt sống 108 tên, thu 02 ĐKZ, 02 đại liên, 01 Cối 60mm, 12 trung niên, 70 súng trường, 13 súng ngắn và một số phương tiện kỹ thuật khác. Trận đánh đã làm ngưng trệ việc vận chuyển vũ khí, kỹ thuật của địch cho các chiến trường, khiến cho địch càng thêm lúng túng, bị động, phải phân tán đối phó ở khắp nơi, nhất là bảo đảm hành lang an toàn sau lưng chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ nhanh chóng giành thắng lợi. Trận đánh đã củng cố lòng tin của nhân dân trong vùng vào thắng lợi của kháng chiến và góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc. Đây là trận đánh thắng thứ ba của Trung đoàn 42 trong vòng hơn một tháng, thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của trung đoàn.

BBT (tổng hợp)