Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395): Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ
Thứ ba, 05/03/2024 - 15:43
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sẻ chia là phương pháp đội ngũ cán bộ Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 duy trì thực hiện để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên, hướng dẫn chiến sĩ mới trong thực hiện nhiệm vụ. Bằng sự tận tình, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ trung đoàn đã giúp chiến sĩ mới đến từ các địa phương Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh hòa nhập nhanh, đưa mọi hoạt động sinh hoạt, huấn luyện đi vào nền nếp.
Chủ động nắm bắt tư tưởng
“Việc nắm bắt tư tưởng, quan tâm, động viên chia sẻ, giúp chiến sĩ mới sớm làm quen môi trường quân ngũ mới là việc làm tiên quyết của đội ngũ cán bộ Trung đoàn. Ngay từ khi chiến sĩ mới về đơn vị, qua nắm bắt hồ sơ, cán bộ các cấp đã nắm được hoàn cảnh gia đình, sở trường của từng đồng chí. Cán bộ trực tiếp huấn luyện chiến sĩ mới thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sẻ chia với chiến sĩ mới, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên từng đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ... Cùng với đó, đơn vị chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng môi trường sống, học tập, lao động sạch, đẹp, bổ ích, thu hút chiến sĩ tham gia. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương để kịp thời giải quyết những trường hợp còn vướng mắc. Đến nay, 100% chiến sĩ mới đơn vị đã an tâm tư tưởng, thi đua học tập, huấn luyện”. Đây là chia sẻ của Trung tá Trần Văn Tới, Phó chính ủy Trung đoàn 8 với chúng tôi về những nét chính trong quản lý tư tưởng của đơn vị khi tiếp nhận, quản lý và huấn luyện chiến sĩ mới năm 2024.
Cán bộ Trung đội 1 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 8) hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chắn màn, xếp đặt nội vụ.
Bám nắm chiến sĩ mới ngay từ những ngày đầu, theo Thiếu tá Nguyễn Quang Duy, Chính trị viên Tiểu đoàn 5 thì trong tuần đầu tiên, cán bộ các cấp tiểu đoàn đã quen mặt, thuộc tên từng tân binh, qua đó thuận tiện trong trò chuyện, nắm và giải quyết tâm tư, tình cảm. Anh Duy cũng chia sẻ thêm về trường hợp của chiến sĩ mới Phạm Duy Khánh được biên chế vào Trung đội 6, Đại đội 6 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Bố mất năm 2016, mình mẹ Khánh lam lũ lo kinh tế nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Khi về đơn vị, Khánh sống khép kín, ít trò chuyện với mọi người, tham gia một số hoạt động của đơn vị còn chưa tập trung. Qua nắm bắt hồ sơ và trực tiếp trao đổi với Khánh, hiểu được khó khăn về gia đình, cán bộ Trung đội, Đại đội nói chuyện, động viên em nhiều hơn. Với sự đồng cảm, sẻ chia của cán bộ, Khánh đã cười nhiều hơn, yên tâm thực hiện nhiệm vụ và tích cực hơn trong tham gia các hoạt động phong trào.
Cùng với làm tốt các hoạt động nắm tư tưởng chiến sĩ mới, ở Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 8) thì các buổi sinh hoạt tâm sự đồng đội đã thực sự trở thành nơi để chiến sĩ mới mở lòng, sẻ chia tâm tư, tình cảm và những nguyện vọng cá nhân. Theo Thiếu tá Phạm Đức Anh, Chính trị viên Tiểu đoàn thì việc tổ chức các buổi sinh hoạt này đã thực sự giúp cán-binh gần gũi, hiểu hơn về nhau. Các chiến sĩ mới mạnh dạn chia sẻ, cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn lắng nghe và trực tiếp có những trả lời thỏa đáng, động viên các em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng từ những buổi sinh hoạt này mà một số đồng chí có tư tưởng ngại khó, ngại khổ đã được động viên, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường quân ngũ và yên tâm gắn bó, xây dựng đơn vị.
Gương mẫu “nói đi đôi với làm”
Trong khi chiến sĩ mới dần làm quen với môi trường quân ngũ, thì mọi hành động, tác phong của đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện như một tấm gương, một mệnh lệnh không lời để các chiến sĩ mới nhìn vào đó để học tập. Theo Trung tá Nguyễn Hữu Hậu, Chính ủy Trung đoàn thì, bước vào môi trường quân đội với tính kỷ luật, tự giác, nghiêm minh là thử thách không dễ dàng đối với chiến sĩ mới. Chính vì lẽ đó, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội có vai trò hết sức quan trọng, có thể ví như “hình mẫu” để chiến sĩ noi theo. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đặc biệt quan tâm xây dựng, kiện toàn khung đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới; lựa chọn, sắp xếp những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực quản lý, chỉ huy, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Trung đoàn cũng chú trọng làm tốt việc quán triệt, giao nhiệm vụ, xây dựng ý chí, quyết tâm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện, đồng thời yêu cầu cán bộ đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới phải bám sát kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, sâu sát bộ đội, bám thao trường, bãi tập. Mọi hoạt động của bộ đội phải luôn có cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc. Cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc trên tinh thần “lấy tình thương, trách nhiệm làm chuẩn mực, hiệu quả huấn luyện làm thước đo” và đề cao việc giáo dục bộ đội thông qua việc làm cụ thể của mình.
Bên cạnh đó, Trung đoàn có biện pháp phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, xử lý những hành vi quân phiệt, kể cả trong lời nói và hành động vi phạm nhân cách quân nhân... Bằng sự gần gũi, quan tâm chia sẻ, nhất là việc “làm gương” của cán bộ các cấp, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn đều có môi trường cởi mở, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Điều đó giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị, tạo cho họ niềm tin, động lực để phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Là người nhiều năm trực tiếp huấn luyện tân binh, Thượng úy Hà Văn Phước Đại đội trưởng Đại đội 9 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 8) là hình mẫu đến cán bộ trung đội và đặc biệt là các chiến sĩ mới học tập. Với tác phong nhanh nhẹn, nói và làm theo điều lệnh, nắm chắc kỹ, chiến thuật các nội dung huấn luyện, anh Phước đã truyền đạt giúp cán bộ trung đội có những kỹ năng, phương pháp huấn luyện tốt nhất cho tân binh. Chia sẻ về tính nêu gương của cán bộ trong huấn luyện, anh Phước cho chúng tôi biết: “Ngay từ thời điểm trước khi chiến sĩ mới về với đơn vị, chúng tôi đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị như nơi ăn, chốn ở, chuẩn bị mô hình học cụ để làm sao các em về có thể hòa nhập nhanh và huấn luyện được ngay. Để huấn luyện chiến sĩ mới đạt kết quả cao, đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện như chúng tôi phải trui rèn rất nhiều, đặc biệt là các yếu lĩnh, động tác, kỹ, chiến thuật các nội dung huấn luyện. Những nội dung như điều lệnh, bắn súng, gói buộc lượng nổ dù đã thục luyện nhiều nhưng khi đơn vị tổ chức tập huấn khung cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi không được phép chủ quan, rèn luyện nghiêm túc, có khi còn rèn luyện thêm vào cả giờ nghỉ, ngày nghỉ bởi càng luyện thì càng thuần thục và hướng dẫn được chiến sĩ mới được tốt hơn. Khi chiến sĩ mới về với đơn vị, tất cả đều lạ lẫm, nên những động tác, kiến thức cơ bản rèn được chuẩn thì những nội dung huấn luyện tiếp theo sẽ có hiệu quả cao hơn”.
Sự sâu sát của đội ngũ cán bộ các cấp ở Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) trong nắm tâm tư, tình cảm, cùng với đó phát huy tính gương mẫu của cán bộ trực tiếp huấn luyện đã giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt, học tập, công tác tại đơn vị. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp các chiến sĩ mới thêm yêu mến đơn vị và nêu cao trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trần Ngọc