Gặp chiến sĩ Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ ba, 30/04/2024 - 08:38

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Hưng Yên không chỉ đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địch hậu, mà còn chi viện cho chiến trường Tây Bắc hàng nghìn bộ đội, hàng trăm tấn lương thực. Trong số những người con ưu tú lúc đó của Hưng Yên có thanh niên Nguyễn Văn Tọa, sinh năm 1930 ở thôn Quanh, thị trấn Ân Thi (huyện Ân Thi).  

Năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tọa hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc, được biên chế vào một đơn vị thuộc Đại đoàn công pháo 351. Sau một thời gian huấn luyện tại tỉnh Tuyên Quang, rồi tham gia chiến dịch Tây Bắc, đơn vị của ông tiếp tục tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tọa kể lại những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Tọa kể: Đầu năm 1954, từ địa điểm tập kết, chúng tôi được lệnh kéo pháo vào trận địa. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo qua bao đèo dốc, núi cao, vực sâu tôi không bao giờ tôi quên được. Mỗi khẩu pháo phải huy động cả đại đội kéo, dùng dây rừng để làm tời, có 4 người làm nhiệm vụ chặn 4 bánh xe pháo. Kéo pháo nặng nề khó khăn như vậy, lại thường xuyên bị máy bay và pháo địch cản trở nên di chuyển rất chậm, nhích từng chút một. Trong điều kiện khó khăn, hiểm trở, bộ đội ta đã sáng tạo tháo rời từng khẩu pháo để vận chuyển rồi lắp ráp lại và kéo vào trận địa bằng tay để bảo đảm bí mật. Cuối tháng 1/1954, sau khi kéo pháo vào trận địa, chúng tôi chỉ còn chờ lệnh tấn công thì lại được lệnh kéo pháo ra.

Sau hai tháng củng cố đội ngũ, đơn vị của ông lại được lệnh kéo pháo vào trận địa. Sau nhiều lần thay đổi ngày giờ nổ súng, ngày 13/3/1954 chính thức được lựa chọn trở thành ngày mở màn chiến dịch với mục tiêu là trung tâm Him Lam. Đại đoàn công pháo 351 được giao nhiệm vụ tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, dội vào cơ quan chỉ huy địch ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng. Đại đội lựu pháo 806 được giao trọng trách giương cao nòng pháo trút loạt đạn đầu tiên, dội xuống lòng chảo theo mục tiêu đã định. Các loại pháo khác của bộ đội ta cũng đồng loạt lên tiếng, tạo thời cơ cho bộ binh tiến lên. Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương, một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch, từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm, đánh một màn phủ đầu vô cùng chính xác và hiệu quả.

Sau trận đánh mở màn, đơn vị của ông Tọa tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Đại đoàn công pháo 351 tham gia các đợt đánh tiếp theo, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong. Qua 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh non trẻ của Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

                                                                                                   Hoàng Bền