Bản hùng ca về tinh thần “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”

Thứ hai, 18/12/2023 - 15:08

51 năm trước, quân và dân miền Bắc với nòng cốt là lực lượng phòng không, không quân nhân dân đã tạo nên một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Chiến công đó là kết quả của nhiều yếu tố, song nó được bắt nguồn từ chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự chuẩn bị tích cực, chủ động, mưu trí, sáng tạo của lực lượng phòng không, không quân và nhân dân miền Bắc.

Quán triệt những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã ra chỉ thị và hướng dẫn, động viên Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu, huấn luyện và lập kế hoạch đánh B-52. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, ngày 18-4-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân ra chỉ thị cho các đơn vị với tinh thần: “Quyết tâm bắn rơi máy bay B-52 của đế quốc Mỹ”. Từ tháng 5/1966, đến đầu năm 1972, 4 lần Quân chủng đưa bộ đội tên lửa, không quân, rađa vào chiến trường Quảng Bình - Vĩnh Linh để nghiên cứu, theo dõi và trực tiếp đánh B-52.

Đội trực chiến của dân quân huyện Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu

Trước tình hình chiến chiến sự trên cả nước ngày càng căng thẳng và phức tạp, nhất là chiến lược “chiến tranh phá hoại” của Mỹ, công tác chuẩn bị mọi mặt cho bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội ngày càng gấp rút. Tháng 2-1968, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống tập kích bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội. Bản Dự thảo kế hoạch ra đời tháng 1-1969. Đến ngày 28-6-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong buổi làm việc, Đại tướng chỉ rõ: sắp tới địch sẽ đánh mạnh hơn… chúng sẽ dùng B-52 đánh đêm, gây nhiễu nặng, che mắt ta, giao Bộ Tổng tham mưu chủ trì cùng Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa cách đánh B-52. Tiếp đó, ngày 06-7/1972, hai đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội là Vương Thừa Vũ và Phùng Thế Tài đã chủ trì Hội nghị thảo luận bàn cách đánh B-52. Tham dự Hội nghị có cán bộ lãnh đạo và chỉ huy của Bộ, Quân chủng Phòng không - Không quân và nhiều cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành tham gia. Sau những sự chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, nghiêm túc đó, chúng ta đã có bản kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội được Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn ngày 24-11-1972, trước khi R. Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch dùng B-52 đánh phá Hà Nội 20 ngày.

Từ sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta đã có sự chủ động, tích cực trong chuẩn bị toàn diện từ kế hoạch, kinh nghiệm, kỹ thuật, phối hợp hiệp đồng tác chiến, … sẵn sàng đánh bại tập kích đường không của quân Mỹ ở mức cao nhất có thể.  

Trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, chúng đã sử dụng 50% không quân chiến lược (193 máy bay B-52, tần suất xuất kích là 769 lần/chiếc), toàn bộ không quân chiến thuật tại khu vực và không quân của Hạm đội 7 (999 máy bay chiến thuật, cất cánh 4.583 lần/chiếc), ném 49.000 ngàn quả bom với hơn 1,5 vạn tấn bom. Tính riêng tại địa bàn Hà Nội, Mỹ sử dụng 444 lần chiếc B-52 (chiếm 61% tổng số lần/chiếc trong cuộc tập kích), hơn 1.000 lần/chiếc máy bay chiến thuật, ném khoảng hơn 10.000 tấn bom xuống 39 đoạn phố, 4 thị trấn và 67 xã. Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm vào tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó 34 máy bay B-52, 5 máy bay F.111, hơn 40 máy bay các loại khác; cùng với đó là hàng trăm giặc lái bị chết, nhiều tên bị bắt. Trong chiến dịch này, quân và dân tại Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi 32 máy bay (gồm 25 máy bay B-52), 2 máy bay F-111 và 5 máy bay chiến thuật.

Sau này, các nhà sử học có phân tích và đánh giá về sự kiện này, họ cho rằng trong 12 ngày đêm ném bom rải thảm xuống Hà Nội và một số thành phố lân cận, số lượng bom đạn mà quân Mỹ sử dụng đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khối lượng bom đạn đó với sức công phá tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hirôshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

 Có thể thấy rằng, với sự chuẩn bị toàn diện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân; với cách thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, quân và dân ta đã nhận thức rõ, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến - trái tim của cả nước, cũng như bảo vệ bầu trời các thành phố lân cận. Đó là “cuộc chiến tranh nhân dân rất mới lạ”, bởi lẽ đây là cuộc chiến tranh phá hoại của địch chủ yếu bằng lực lượng không quân và vũ khí hiện đại, nhằm đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá như tuyên bố của Chính phủ Mỹ. Thông qua đó, Mỹ muốn cắt đứt nguồn viện trợ của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, và gây sức ép buộc ta phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh trên bàn ngoại giao theo ý đồ của chúng.

51 năm qua, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nó là chiến công vĩ đại tạc thêm vào trang sử hào hùng của dân tộc ta. Chiến công đó là kết quả của nhiều yếu tố, song nó được khởi nguồn từ chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự chuẩn bị và ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Chiến thắng đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, mà chúng ta cần nghiên cứu, quán triệt, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nhất là chủ động về mặt chiến lược để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

                                                                        Trịnh Quốc Việt