Chủ động nắm, giải quyết tốt tư tưởng bộ đội dịp cuối năm
Thứ hai, 25/12/2023 - 20:51
Cuối năm cũ, đầu năm mới là khoảng thời gian cao điểm diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động dễ khiến bộ đội dao động tư tưởng. Từ đặc điểm này, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã và đang tăng cường công tác giáo dục, nắm và quản lý, động viên, bảo đảm tinh thần bộ đội được giữ vững, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ thực tiễn nhiều năm quản lý bộ đội, theo Đại tá Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 513 chia sẻ: Sau một năm căng mình thực hiện nhiệm vụ nên thời điểm cuối năm bộ đội dễ nảy sinh tâm lý thỏa mãn, xả hơi. Ở những đơn vị có quân nhân chuẩn bị xuất ngũ, có thể xuất hiện tình trạng thiếu tập trung trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nền nếp, chế độ không nghiêm túc. Ngoài ra, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ tác động rất nhiều đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ do phải trực xa nhà, nhất là những quân nhân làm nhiệm vụ ở đơn vị huấn luyện, trực SSCĐ, đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Những đặc điểm trên đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải chủ động nắm bắt, dự báo diễn biến tư tưởng của bộ đội, từ đó có biện pháp giáo dục, động viên, quản lý từ sớm.
Chỉ huy Lữ đoàn 214 thường xuyên kiểm tra, động viên bộ đội trong quá trình huấn luyện
Tìm hiểu tại Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395) chúng tôi được biết, từ đầu tháng 12, sau khi cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong năm, Trung đoàn yêu cầu cán bộ các cấp tăng cường tổ chức sinh hoạt, đối thoại dân chủ với chiến sĩ sắp xuất ngũ. Ngoài ra, chỉ huy Trung đoàn và cán bộ các cơ quan cũng trực tiếp xuống dự sinh hoạt để lắng nghe, giải đáp thắc mắc của bộ đội. Qua đó nắm bắt tâm tư, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, nhất là việc nghỉ phép, định hướng nghề nghiệp và những chế độ, tiêu chuẩn quân nhân được hưởng khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đây cũng là dịp để chỉ huy các cấp giáo dục, động viên nâng cao ý thức tự giác chấp hành nền nếp, chế độ của bộ đội, ngăn chặn tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”, rèn luyện cầm chừng có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật.
Đối với Lữ đoàn 242 là đơn vị đóng quân phân tán trên tuyến đảo Đông Bắc, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên phân công chỉ huy luân phiên ra kiểm tra, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình công tác; yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các tiểu đoàn tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; quan tâm bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội; xây dựng mối đoàn kết cán- binh để bộ đội yên tâm công tác, kiên trì bám đảo, giữ biển.
Thiếu tá Phạm Khắc Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242) cho biết: “Đơn vị có gần 100 chiến sĩ chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhìn chung các đồng chí đều yên tâm công tác, tự giác thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên nếu chỉ huy buông lỏng quản lý sẽ khiến bộ đội dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, thậm chí là vi phạm kỷ luật. Vì vậy chúng tôi yêu cầu cán bộ trung đội, đại đội phải tăng cường giáo dục, động viên kết hợp sâu sát bám nắm, tăng cường kiểm tra bộ đội nhất là giờ nghỉ, ngày nghỉ. Các đơn vị có kế hoạch tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền và liên hoan ngọt để chia tay chiến sĩ xuất ngũ, qua đó xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó”.
Là một trong số những quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đợt này, Binh nhất Nguyễn Văn Hòa, Chiến sĩ thuộc Trung đội 1, Đại đội 6, (Tiểu đoàn đảo Cô Tô) tâm sự: “Thời gian còn lại trong quân ngũ không nhiều nên chúng tôi cảm thấy lưu luyến. Mọi người tranh thủ thời gian để ôn lại những kỷ niệm của những ngày quân ngũ, sẻ chia về kế hoạch trong tương lai. Chúng tôi rất thích các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ để mọi người thêm gắn bó, đoàn kết và hiểu nhau hơn”.
Tùy theo đặc thù mỗi đơn vị, đối tượng quản lý mà cấp ủy, chỉ huy các cấp triển khai biện pháp nắm, giải quyết tư tưởng cho phù hợp. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp phân đội. Thiếu tá Lê Xuân Dương, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 513) chia sẻ: “Qua nhiều năm quản lý bộ đội xây dựng các công trình ở đảo xa, tôi thấy rằng, dù cuộc sống ngoài đảo khó khăn, thiếu thốn nhưng nếu công tác giáo dục, động viên, chăm lo bộ đội được tiến hành thường xuyên, chu đáo thì anh em luôn yên tâm công tác, cống hiến. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy phải gần gũi bộ đội, linh hoạt trong quản lý tư tưởng, chú trọng mở rộng và phát huy dân chủ thông qua sinh hoạt hằng ngày, ngày chính trị văn hóa tinh thần hằng tháng...”.
Diễn biến tư tưởng bộ đội luôn thay đổi nên cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động giáo dục và có biện pháp nắm, quản lý linh hoạt; kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục chính trị với quản lý tư tưởng và duy trì kỷ luật. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần mở rộng và phát huy dân chủ thông qua sinh hoạt hằng ngày và ngày chính trị văn hóa tinh thần hằng tháng để chiến sĩ chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập, công tác. Các cơ quan, đơn vị duy trì nền nếp hoạt động giao ban, hội ý, giao ban công tác tư tưởng để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bộ đội; từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp.
Nguyễn Trường