Dấu ấn đợt triển lãm lưu động
Thứ ba, 21/05/2024 - 16:19
Vừa qua, Bảo tàng Quân khu và Nhà Văn hóa thuộc Cục Chính trị Quân khu đã tổ chức triển lãm lưu động tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn dịp mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Sự kiện không chỉ thu hút được sự quan tâm đông đảo của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và nhân dân, mà dấu ấn để lại sau đó là ngọn lửa tự hào của lịch sử đã được trao truyền đến mỗi cán bộ, chiến sĩ thông qua tâm huyết của những người làm công tác tuyên truyền, cổ động.
Hành trình đầy tâm huyết
Trong vòng nửa tháng, đi qua 8 đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, giới thiệu hơn 200 hình ảnh, hiện vật, tư liệu của và hơn 1000 đầu sách, báo, tạp chí của đến với gần 10 nghìn lượt khách theo dõi, tham quan. Đó thực sự là những con số biết nói, là dấu ấn về đợt triển lãm lưu động mà cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Quân khu và Nhà Văn hóa đã nỗ lực thực hiện.
Nhân viên Bảo tàng Quân khu thuyết minh về hiện vật lịch sử cho các đồng chí chiến sĩ mới tại Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395)
Là người trực tiếp thuyết minh Triển lãm “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Lụa, Nhân viên Bảo tàng Quân khu chia sẻ: “Quân số ở các đơn vị cơ sở rất đông, thường phải chia thành nhiều lượt mới tham quan hết được các nội dung. Vì vậy, trong một ngày có khi chúng tôi phải tiến hành giới thiệu tới gần chục lượt với cùng một nội dung giống nhau. Để mọi thứ không đi vào lối mòn, đơn điệu, việc thuyết minh đặt ra cho chúng tôi phải giữ được “lửa nhiệt huyết” trong suốt quá trình tuyên truyền cũng như biết cách khởi đầu, duy trì, kết thúc phần thuyết trình của mình một cách sáng tạo. Chẳng hạn, để bắt đầu cho mỗi phần thuyết minh chúng tôi thường mở màn bằng một số tiết mục văn nghệ giúp thuận lợi hơn trong khi dẫn vào nội dung câu chuyện của mình. Trong quá trình thuyết trình cũng chú ý tăng sự tương tác, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ giúp đối tượng tiếp nhận thông tin tăng tính chủ động hơn”.
Còn đối với Thượng tá QNCN Tưởng Hồng Anh, Nhân viên Nhà Văn hóa (Phòng Tuyên huấn) thì niềm vui, sự tâm huyết trong chuyến hành trình nửa tháng qua như được chuyển tải cả vào Triển lãm sách với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức vóc Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Tại đây nhiều tác phẩm sách có giá trị về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về Quân đội, Quân khu, đặc biệt là về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được giới thiệu tới đông đảo cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong các cơ quan, đơn vị cũng như nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển tri thức, trau dồi kiến thức, kỹ năng và tư duy, góp phần giáo dục, rèn luyện nhân cách người quân nhân cách mạng, giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thượng tá QNCN Tưởng Hồng Anh xúc động nhớ lại: Thật hạnh phúc, vì đến đơn vị nào các đầu sách của Nhà Văn hóa mang đi triển lãm đều được cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương đón nhận nồng nhiệt. Ý nghĩa hơn cả là nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa đã được chính nhân viên Nhà Văn hóa Quân khu tặng đến tận tay người chiến sĩ. Đặc biệt, hình ảnh có đồng chí nhảy lên mừng rỡ khi được tặng cuốn sách đúng chủ đề bấy lâu nay mình tìm kiếm khiến tôi vô cùng xúc động”.
Tiếp “lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ
Là một trong số những quân nhân tham gia triển lãm, chiến sĩ mới Nguyễn Tiến Thành, ở Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 454) chia sẻ: “Cuốn sách mà tôi thích nhất tại triển lãm có nội dung viết về tấm gương những người lính trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường. Càng đọc tôi lại càng thấy những khó khăn mình trải qua trong môi trường quân ngũ 3 tháng qua thật nhỏ bé nếu so với thế hệ cha ông đi trước. Và đó cũng đã là sự thôi thúc giúp tôi thêm quyết tâm để giành kết quả cao trong kiểm tra kết thúc các nội dung của đợt huấn luyện chiến sĩ mới”.
Cũng tại triển lãm, những chiến sĩ trẻ không chỉ được sống cùng các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua những câu chuyện được kể từ các nhân viên bảo tàng, hay bằng nội dung những cuốn sách mà mỗi người lính hôm nay còn như được “chạm tay vào quá khứ” với nhiều hiện vật sống động được trưng bày. Chiến sĩ mới Nguyễn Văn Xuân ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) chia sẻ: “Trong số các kỷ vật được trưng bày, tôi rất ấn tượng với chiếc xe đạp thồ chở vật chất hậu cần chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Thật khâm phục khi biết rằng chỉ với những chiếc xe tưởng chừng như nhỏ bé, thô sơ này mà Đội Xe đạp thồ huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình thuộc Quân khu 3 với 150 người luôn vận chuyển được bình quân 150kg/xe từ huyện Nho Quan lên tới tận chân đèo Pha Đin để tiếp tế cho bộ đội ta ăn no, đánh thắng trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Một trong những điểm mới của đợt triển lãm lưu động lần này là Bảo tàng Quân khu và Nhà văn hóa đã phối hợp cùng với các đơn vị cơ sở vừa tổ chức triển lãm, giao lưu văn nghệ vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Vinh dự, trách nhiệm người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Chính điều này lại càng làm tăng thêm giá trị của cuộc triển lãm lưu động cũng như tạo thêm dấu ấn khó quên đối với những cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Lê Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) cho biết: “Hoạt động trưng bày triển lãm lưu động đã góp phần giúp đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quân nhân nhất là các chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Từ điểm tựa của truyền thống, mỗi cán bộ chiến sĩ sẽ càng thêm tự hào mà yêu mến, gắn bó hơn với đơn vị cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập, huấn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.”
Anh Dũng