Động lực “luyện giỏi, rèn nghiêm”

Thứ hai, 08/07/2024 - 16:29

Là đơn vị được thành lập từ sớm và tham gia nhiều trận chiến đấu, lập nhiều chiến công, vì vậy những năm qua, truyền thống vẻ vang đã trở thành bệ đỡ, tạo động lực để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 214 nỗ lực luyện rèn, hăng say cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau những trận mưa rào dài ngày càng khiến cái nắng của những ngày đầu tháng 7 thêm bỏng rát. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, trên thao trường huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 214) hăng say với các bài tập đánh địch đột nhập đường không. Sau mỗi tình huống giả định được chỉ huy phát ra là cả thao trường rộn lên những mệnh lệnh, khẩu lệnh bắn cùng hành động nhanh nhẹn, thuần thục của các pháo thủ. Vượt qua cái nắng nóng của ngày hè, cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn thể hiện rõ quyết tâm trong từng nội dung bài tập.

Chỉ huy Lữ đoàn 214 kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ huấn luyện và trực SSCĐ

Trò chuyện cùng các chiến sĩ tại trận địa, Binh nhất Bùi Cao Cường, thuộc Khẩu đội 3 (Trung đội 1, Đại đội 2) chia sẻ: “Thời gian qua chúng tôi thường xuyên được chỉ huy các cấp giáo dục về truyền thống vẻ vang của đơn vị. Những chiến công cùng với sự hi sinh anh dũng của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước là tấm gương sáng để chúng tôi học tập, noi theo. Chúng tôi tự hào khi được học tập, công tác ở đơn vị hai lần anh hùng. Đó là động lực thôi thúc tôi và các đồng đội phải luôn cố gắng luyện rèn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Có mặt động viên bộ đội huấn luyện, Thượng tá Nguyễn Văn Hà, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 214 cho biết: Những năm qua, bề dày truyền thống chính là nguồn động lực để tạo sức mạnh nội sinh giúp đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Vì vậy Lữ đoàn luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về lịch sử ra đời, quá trình chiến đấu và trưởng thành của đơn vị; nhất là những chiến công tiêu biểu, sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thành tích nổi bật trong những năm gần đây. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục càng được tiến hành tăng cường vào thời điểm tháng 7 để lập thành tích chào mừng ngày truyền thống đơn vị.

Từ chia sẻ của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn, tìm hiểu chúng tôi được biết, Trung đoàn 214 (tiền thân của Lữ đoàn 214 ngày nay) được thành lập ngày 17/7/1957 tại đồi Bảo Sơn (thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Là một trong những Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập từ sớm nên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã từng tham gia hàng nghìn trận chiến đấu, tiêu diệt hằng trăm máy bay địch. Chỉ tính riêng trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Trung đoàn đã tham gia đánh 4.339 trận, tiêu diệt 187 máy bay. Trải qua nhiều lần thay đổi vị trí đóng quân, điều chỉnh tổ chức biên chế, Trung đoàn ngày càng phát triển và trưởng thành. Với nhiều thành tích lập bên dòng sông Gianh lịch sử, Trung đoàn còn được mang tên “Đoàn sông Gianh Anh hùng”; vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 24 Huân chương Quân công; 157 Huân chương Chiến công; 240 cờ thưởng các loại. Đặc biệt, ngày 18/6/1969, đơn vị là một trong hai Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên được Bác Hồ ký quyết định tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Đoàn sông Gianh Anh hùng”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 214 luôn đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ của Lữ đoàn ngày càng được nâng cao. Kiểm tra kết thúc huấn luyện hằng năm có 100% các khoa, mục đạt yêu cầu, trong đó 82% đạt khá, giỏi; đơn vị tham gia các hội thi, hội thao cấp Quân khu và cấp Bộ Quốc phòng đạt được nhiều thành tích cao. Nhiều mô hình như: “Khẩu đội Nguyễn Viết Xuân”, “Quân nhân 5 mẫu mực” được các đơn vị trong Lữ đoàn triển khai hiệu quả liên tục trong thời gian dài góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện và các mặt công tác khác.

Đại tá Nguyễn Duy Toản, Chính ủy Lữ đoàn 214 cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống với đẩy mạnh hoạt động phong trào Thi đua Quyết thắng hằng năm. Trong đó chúng tôi yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị mình, hướng hoạt động thi đua vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, khắc phục dứt điểm khâu yếu, tập trung giải quyết việc khó. Đối với đội ngũ cán bộ các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò nêu gương trong lời nói và hành động để chiến sĩ học tập, làm theo; xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó trên dưới đồng lòng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đang góp phần tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công xuất sắc” mà lớp lớp các thế hệ cha anh dày công vun đắp trong suốt 67 năm qua”.

                                                                             Nguyễn Trường