LLVT tỉnh Hòa Bình: Bám địa bàn, giúp dân hiệu quả
Thứ sáu, 22/11/2024 - 07:40
Những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo để giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Những việc làm thiết thực, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã góp phần làm đổi thay những vùng khó khăn, tô thắm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
LLVT giúp nhân dân làm đường bê tông tại “Làng văn hóa quốc phòng, an ninh xóm Cam”, xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)
Nói đến những mô hình giúp dân hiệu quả đang được LLVT tỉnh Hòa Bình triển khai trước tiên phải kể đến “Làng, bản văn hoá quốc phòng, an ninh”. Với 4 mục tiêu cơ bản là: Làng bản ấm no, không còn đói nghèo; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng xóm yên vui, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh Hòa Bình phát huy tốt vai trò nòng cốt, trung tâm chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương huy động các nguồn lực giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Chia sẻ kết quả đạt được của mô hình trên: Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình phấn khởi cho biết: Mô hình được triển khai từ năm 2009 với tên ban đầu là “Làng, bản văn hóa quốc phòng”. Nhờ các mục tiêu xác định đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân nên mô hình ngày càng nhân rộng, phát triển thành Đề án xây dựng “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”. Đến nay đã có 38 “Làng, bản văn hóa quốc phòng” và “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh” được triển khai. Bám sát 4 mục tiêu cơ bản, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phối hợp xây dựng 38 cổng làng, huy động trên 15.000 lượt dân quân cải tạo trên 350 vườn tạp, 145 ao thả cá, trồng trên 11.000 cây ăn quả và cây lấy gỗ, xây dựng gần 3.500 chuồng trại gia súc, gia cầm, hình thành nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình (vườn, ao, chuồng, rừng); góp phần giúp các làng, bản vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số dần “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Hòa Bình là tỉnh miền núi với trên 74% dân số đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông, đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn. Xuất phát từ đặc điểm địa bàn, những năm qua cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh chủ động bám bản, bám làng triển khai nhiều hoạt động giúp dân hiệu quả. Năm 2017, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh mở 3 lớp đào tạo nghề hàn điện cho 70 thanh niên thuộc hộ nghèo các xã Mường Chiềng, Mường Tuổng, Giáp Đắt, Đồng Chum của huyện Đà Bắc; năm 2018 mở 1 lớp dạy tin học văn phòng, 1 lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 50 học viên là cán bộ, công chức, viên chức xã, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trưởng thôn. Đặc biệt, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2017, LLVT tỉnh nhận giúp đỡ 4 xã Cun Pheo, Nà Mèo, Ba Khan, Hang Kia thuộc huyện Mai Châu.
Thượng tá Bùi Văn Lập, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay Bộ CHQS tỉnh đang phát động nhiều phong trào như: “Hòm tiết kiệm quyên góp ủng hộ người nghèo”, “Đồng hành cùng các em đến trường”, “Góc học tập 100 đồng”, “Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó”... Thông qua các phong trào mà mỗi năm có hàng nghìn học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn được nhận học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập nhân dịp đầu năm học mới. Các phong trào ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng; được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao.
Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh Hòa Bình phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương nội đồng; giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo sửa nhà, dọn vệ sinh, cải tạo vườn tạp. Hoạt động giúp dân được triển khai thường xuyên kết hợp với tăng cường trong những đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, diễn tập, huấn luyện dân quân tự vệ. Điều này đã góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Cùng với giúp dân phát triển kinh tế, LLVT tỉnh Hòa Bình còn đóng vai trò nòng cốt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị bám sát cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn; ưu tiên những bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Không chỉ tập trung tuyên truyền văn bản liên quan đến công tác quốc phòng, các cơ quan, đơn vị còn đẩy mạnh phổ biến một số kiến thức luật thiết yếu như: Phòng, chống ma túy; hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới...; kết hợp phổ biến luật với vận động bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa.
Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình khẳng định: Xuất phát từ đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương nên những năm qua hoạt động công tác dân vận được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của LLVT tỉnh. Thông qua những mô hình, việc làm giúp dân thiết thực, hiệu quả đã góp phần quan trọng vào tăng cường mối đoàn kết quân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; qua đây xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.
Nguyễn Trường