Phát huy vai trò của “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý”
Thứ sáu, 26/01/2024 - 14:21
Đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, các “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý” ở Lữ đoàn 214 đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm chắc tình hình tư tưởng và chấp hành kỷ luật của bộ đội; động viên những trường hợp quân nhân có biểu hiện thiếu tự giác, tích cực trong huấn luyện, rèn luyện, qua đó giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ về cách thức trong tiến hành tư vấn, nắm và giải quyết tư tưởng của bộ đội, Trung úy Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên phó kiểm tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý Đại đội 7 (Tiểu đoàn 3) cho biết: Cách đây 2 tuần, Binh nhất Trần Văn Tuấn, ở Tiểu đội chỉ huy (Đại đội 7) có dấu hiệu chán nản, lo lắng, sống bó mình, ít tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của đơn vị, mỗi khi đơn vị giao nhiệm vụ thì thiếu tập trung, lơ là, hiệu quả công việc không cao. Nhận thấy có vấn đề bất thường, chỉ huy Đại đội đã giao nhiệm vụ cho Tổ tư vấn đã tìm đến gặp gỡ, động viên thì được biết Tuấn là con một trong gia đình, bố em vừa mất mẹ thường xuyên đau ốm, không có ai chăm sóc, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng khó khăn; chính vì vậy, Tuấn luôn trong tình trạng băn khoăn, chán nản, nghĩ về gia đình. Được sự tư vấn, giúp đỡ của cấp trên, Tuấn đã an tâm tư tưởng, hòa nhập với đồng đội, tích cực tham gia các hoạt động và trở thành chiến sĩ điển hình trong các hoạt động, phong trào thi đua của đơn vị. “Nhờ sự quan tâm của thủ trưởng cho về nghỉ phép thăm gia đình và được sự động viên, khích lệ của cán bộ Tổ tư vấn, giờ em đã hiểu ra, yên tâm tư tưởng, sống mạnh mẽ, hòa nhập cùng đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Binh nhất Trần Văn Tuấn chia sẻ.
Cán bộ Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý ở Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 214) tuyên truyền, giới thiệu các điều luật cho bộ đội
Được biết, các Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý ở Lữ đoàn 214 được thành lập từ cấp đại đội, tiểu đoàn bộ và cơ quan Lữ đoàn; mỗi tổ gồm 3-5 đồng chí đảm nhiệm vai trò tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của quân nhân. Các đồng chí được phân công làm nhiệm vụ tư vấn ngoài việc nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông; các chế độ quy định của quân đội, đơn vị… thì còn phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi; biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ; đồng thời biết giải quyết kịp thời mọi tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Để tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp những biện pháp trong giải quyết các vấn đề tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ở đơn vị. Thời gian qua, các “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý” của Lữ đoàn 214 đã chủ động gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của bộ đội thông qua nhiều kênh như: Giao tiếp, học tập, sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, ngày pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ…. Chủ yếu và tập trung nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như ngày nghỉ, giờ nghỉ, lễ, tết, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn. Mặt khác, Tổ cũng thường xuyên liên hệ với cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân ở gần địa bàn đóng quân nắm tình hình, các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ với nhân dân để có những biện pháp tuyên truyền giáo dục, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong công tác tư tưởng ở đơn vị.
Thượng tá Nguyễn Văn Hà, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 214 cho biết: “Vào môi trường quân đội, ban đầu đa số anh em còn ngại chia sẻ chuyện riêng tư, song bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, đến nay “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý” đã tạo được niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ; hằng tuần, các Tổ tiến hành tư vấn cho từ 5-7 trường hợp có biểu hiện tư tưởng dao động, chán nản, sau mỗi lần được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc, hầu hết các quân nhân đều có sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt trong nhận thức và hành động, kết quả hoàn thành các nhiệm vụ ở mức cao”.
Việc duy trì hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý” ở Lữ đoàn 214 là mô hình có hiệu quả, nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ nắm vững được kỹ năng sống, hiểu được những vấn đề còn vướng mắc và tự quyết định hướng giải quyết một cách đúng đắn; nâng cao sự hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị; xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cấp ủy, chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, nhận thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ, kỹ năng sống của bộ đội; từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, giảm thiểu vi phạm kỷ luật, giữ vững ổn định đơn vị.
NGUYỄN THANH - VĂN HUY