Rộn ràng “Tiếng hát thao trường”
Thứ hai, 20/11/2023 - 09:59
Nhằm đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động cổ động thao trường, Lữ đoàn 603 triển khai mô hình “Tiếng hát thao trường”. Dù mới thực hiện chưa lâu, nhưng mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cán bộ, chiến sĩ có những khoảng thời gian thư giãn bổ ích trong quá trình huấn luyện căng thẳng.
“Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ,…” những lời ca trong bài Hát mãi khúc quân hành hòa cùng tiếng ghita trầm bổng của các chiến sĩ- “ca sĩ không chuyên” trong mô hình “Tiếng hát thao trường” khiến không khí giờ giải lao trên thao trường Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 603) thêm rộn ràng, sôi động. Gần nửa năm qua, mô hình đã trở thành món ăn tinh thần rất bổ ích, giúp cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 và các đơn vị thuộc Lữ đoàn 603 xua đi những căng thẳng sau mỗi giờ huấn luyện.
Với thời lượng từ 10 đến 15 phút, mỗi chương trình “Tiếng hát thao trường” thường có từ 4 đến 5 tiết mục là các ca khúc cách mạng và các ca khúc nhạc trẻ, được biểu diễn dưới hình thức như: hát, độc tấu đàn, sáo. Bên cạnh việc biểu diễn văn nghệ, với các ca khúc cách mạng, “MC” của chương trình còn lồng ghép đưa ra nhiều câu hỏi về thời gian, hoàn cảnh ra đời và tiểu sử, sự nghiệp của các tác giả để khích lệ các chiến sĩ tìm hiểu, mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Trung sĩ Hà Mạnh Vũ, Chiến sĩ hữu tuyến điện, Trung đội 17 (Đại đội 8, Tiểu đoàn 3 tâm sự: “Không chỉ là giải trí, mô hình “Tiếng hát thao trường” còn giúp gắn kết cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, xây dựng đơn vị có mối đoàn kết, thống nhất cao, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Được ví như “thủ lĩnh” của các chiến sĩ thực hiện mô hình “Tiếng hát thao trường”, Trung tá Vũ Minh Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 cho biết: “Chỉ huy Lữ đoàn bắt đầu triển khai cho Tiểu đoàn thực hiện mô hình này từ tháng 5 năm nay. Thành viên nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ có đam mê biểu diễn ca hát, văn nghệ trong Tiểu đoàn. Kế hoạch, nội dung chương trình do tôi xây dựng theo từng tháng và xin ý kiến của Phòng Chính trị. Chúng tôi thường tổ chức ca hát trong các giờ giải lao trên thao trường và tổ chức luyện tập vào ngày nghỉ, giờ nghỉ”.
Với số lượng thành viên được mở rộng không hạn chế, mô hình “Tiếng hát theo trường” không chỉ tạo khoảng thời gian thư giãn, giải trí, củng cố tình đoàn kết mà còn trở thành sân chơi bổ ích để nhiều chiến sĩ được thực hiện đam mê, thể hiện năng khiếu của bản thân. Vốn thích văn nghệ từ khi còn học phổ thông tại địa phương, Binh nhất Nguyễn Nhật Minh, Chiến sĩ Trung đội 10 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 603) cho biết: “Ngay khi biết đơn vị triển khai mô hình “Tiếng hát thao trường” tôi đã đăng ký tham gia. Bên cạnh được ca hát, qua việc luyện tập các chương trình văn nghệ, tôi còn học được cách thổi sáo trúc, đến nay tôi đã có thể độc tấu sáo được một bài hát đơn giản”.
Nhờ những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại, đến nay, Lữ đoàn 603 đã chỉ đạo tất cả các tiểu đoàn trong đơn vị thực hiện “Tiếng hát thao trường” trong các giờ giải lao. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn 603 cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 603 và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn chú trọng đưa hoạt động văn hóa văn nghệ đến gần hơn với cán bộ, chiến sĩ, coi đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị đã quan tâm lựa chọn cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu làm nòng cốt, phân công đồng chí chính trị viên hoặc chính trị viên phó tiểu đoàn trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện mô hình; phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho đội ngũ cán bộ chính trị. Định kỳ xác định nội dung hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn huấn luyện trên thao trường, trong đó tập trung vào thể hiện các tác phẩm có nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị và phù hợp với lứa tuổi, tâm lí của cán bộ, chiến sĩ”.
Phạm Quyết - Đình San