Đa dạng hoạt động của phòng Hồ Chí Minh để giáo dục bộ đội

Thứ tư, 15/05/2024 - 07:14

Những năm gần đây, cùng với đầu tư củng cố hệ thống doanh trại cơ bản, phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị cơ sở cũng được quan tâm xây dựng ngày càng khang trang, bài trí sinh động, hấp dẫn. Điều này đã góp phần quan trọng vào đáp ứng nhu cầu và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, qua đây giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội trong chấp hành pháp luật, kỷ luật và thực hiện nhiệm vụ.

Với vai trò là một thiết chế văn hóa được trang bị cho các đơn vị cấp cơ sở, địa chỉ để giáo dục lịch sử truyền thống, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa của bộ đội trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, vì vậy các phòng Hồ Chí Minh cơ bản được bài trí khoa học, đồng bộ và thống nhất theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Các đơn vị cũng chú trọng bảo đảm đầy đủ vật tư, ấn phẩm sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh trưng bày tại phòng Hồ Chí Minh theo Thông tư 138/2020/TT-BQP ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) trải nghiệm “không gian văn hóa” ở phòng Hồ Chí Minh vào ngày nghỉ cuối tuần

Tìm hiểu ở một số đơn vị thuộc Sư đoàn 395 chúng tôi thấy về cơ bản các đơn vị đều phát huy tốt hiệu quả của phòng Hồ Chí Minh trong giáo dục nâng cao nhận thức và đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Trung tá Trần Văn Hương, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 43 cho biết: “Ngoài tổ chức cho bộ đội tham gia đọc sách, báo vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, phòng Hồ Chí Minh còn được các đơn vị trong Trung đoàn sử dụng để sinh hoạt, học tập tập trung, giao lưu văn hóa văn nghệ, diễn đàn, tọa đàm thanh niên, sinh nhật đồng đội... Đặc biệt, chúng tôi bố trí loa, đài tại đây để cán bộ, chiến sĩ hát karaoke, tạo không khí vui tươi, phấn khởi vào ngày nghỉ cuối tuần”.

Tuy nhiên, ở một số đơn vị, trong một số thời điểm việc duy trì hoạt động của phòng Hồ Chí Minh chưa thực sự thành nền nếp, khai thác chưa hết chức năng, tiềm năng vốn có. Đại đa số các đơn vị chủ yếu sử dụng phòng Hồ Chí Minh làm địa điểm cho các buổi sinh hoạt, học tập tập trung, tổ chức văn hóa văn nghệ, sinh nhật đồng đội, riêng các hoạt động giáo dục truyền thống, đọc sách, báo tại đây chưa thu hút bộ đội tham gia; chưa có hoạt động của các tổ, nhóm, câu lạc bộ. Thậm chí có những phòng Hồ Chí Minh trưng bày đơn giản, nội dung nghèo nàn, nhất là ở những đơn vị quân số ít, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cá biệt có phòng Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài” nên bộ đội ít có điều kiện được khai thác, sử dụng.

Thượng tá Nguyễn Đức Hiển, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 513 cho rằng: Sự phát triển của phương tiện truyền thông, mạng xã hội trong những năm gần đây đang khiến người đọc, nhất là giới trẻ có xu hướng xa dần sách, báo in. Đây là lý do chính khiến bộ đội chưa thực sự hứng thú tìm đến phòng Hồ Chí Minh vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ngoài ra một số đơn vị chưa chú trọng bổ sung, làm mới, đa dạng các đầu sách trong phòng Hồ Chí Minh, tài liệu lưu trữ chủ yếu là chỉ thị, nghị quyết, văn bản luật khô cứng mà ít có các đầu sách về văn hóa văn nghệ, thể thao, khoa học, kỹ năng số phù hợp tâm lý giới trẻ; hoạt động giáo dục truyền thống, phổ biến pháp luật tiến hành đơn điệu, chưa cuốn hút bộ đội.

Thiết nghĩ, để thu hút bộ đội tìm đến phòng Hồ Chí Minh, bên cạnh trang thiết bị phương tiện, vật tư, sách báo được trên cấp, các đơn vị cũng cần phát huy tốt các nguồn lực mua sắm, trang bị thêm loa, đài, dàn karaoke, máy vi tính, bổ sung đa dạng thêm các đầu sách, báo, phân bổ tỷ lệ hợp lý giữa sách phục vụ học tập, nghiên cứu với các đầu sách giải trí, phù hợp với tâm lý, sở thích của thanh niên. Hiện nay mỗi tiểu đoàn có một phòng Hồ Chí Minh nên các đơn vị cần xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động cụ thể trong từng tuần, từng tháng, trong đó có hoạt động chung của cả tiểu đoàn, có hoạt động xoay vòng riêng đối với từng đại đội để không bị chồng chéo. Các đơn vị lựa chọn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý và duy trì nền nếp hoạt động của phòng Hồ Chí Minh.

 Đại tá Lê Văn Đang, Chính ủy Lữ đoàn 454 cho rằng: Quan trọng nhất là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của phòng Hồ Chí Minh, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian cho cán bộ, chiến sĩ tham gia sinh hoạt vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ngoài ra các đơn vị nên lựa chọn, bồi dưỡng, hướng dẫn hoạt động cho các nhóm nghiệp vụ như: Nhóm thông tin tuyên truyền cổ động, nhóm hoạt động sách báo, câu lạc bộ thơ ca, đồng thời đa dạng các hoạt động tại phòng Hồ Chí Minh như: Diễn đàn, tọa đàm, sinh nhật đồng đội, liên hoan văn nghệ, làm báo tường, thi sáng tác nhạc, thơ, viết kỷ yếu...Có như vậy phòng Hồ Chí Minh mới thực sự trở thành “không gian văn hóa” để cán bộ, chiến sĩ tìm đến sau những giờ huấn luyện thao trường vất vả; qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị, góp phần hình thành và bồi đắp nhân cách người quân nhân cách mạng.

NGUYỄN TRƯỜNG