“Đệ Tứ chiến khu” ngày ấy- bây giờ

Thứ ba, 30/04/2024 - 08:32

Đông Triều là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước với những trang sử vẻ vang, hào hùng gắn liền chiều dài lịch sử dân tộc. Truyền thống cách mạng ấy được cấp ủy, chính quyền, quân và dân thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) gìn giữ, phát huy, trở thành động lực giúp địa phương bứt phá, phát triển trong nhiều năm qua.

Có dịp về Ban CHQS thị xã Đông Triều chúng tôi được chỉ huy đơn vị cung cấp nhiều tài liệu lịch sử minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của quân và dân nơi đây. Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đông Triều là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng với nhiều sự kiện lịch sử được ghi lại như: Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Khu mỏ (23/02/1930), nơi đánh dấu sự ra đời của Đệ tứ chiến khu (hay Chiến khu Đông Triều), góp phần cùng các địa phương trong cả nước Tổng khởi nghĩa đập tan chính quyền thực dân phong kiến tay sai, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

LLVT thị xã Đông Triều thường xuyên phối hợp tặng quà nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, quân và dân Đông Triều kiên định bám địa bàn, tổ chức nhiều trận đánh bốt, chống càn, tiêu diệt sinh lực địch, thu vũ khí, gây rối, khiến chúng hoang mang. Đặc biệt, tháng 11/1953, khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, cùng với cả nước, quân và dân Đông Triều phát huy tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” với hàng nghìn dân công lên đường vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí cùng hàng chục tấn lương thực, quần áo được gửi lên chiến trường Tây Bắc.

Cùng thời điểm này, nhiều trận tiến công vây đồn được quân và dân Đông Triều tổ chức, như: Tháng 01/1954 Đại đội 913 Đông Triều phối hợp cùng một đại đội liên khu Việt Bắc và du kích Bắc Sơn tiến công núi Chiêng, tập kích vào bốt Hàn Đính và phố Đông Triều, bắt 20 tên, thu nhiều vũ khí; tháng 4/1954 Đại đội 913 Đông Triều phục kích một tiểu đội địch đi tuần bốt núi Canh, bắt 13 tên. Ngoài ra du kích các xã ven Quốc lộ 10, Quốc lộ 18 tổ chức nhiều trận đánh phá hủy xe cơ giới, tiêu hao sinh lực địch. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, phong trào binh vận tiếp tục được quân dân Đông Triều đẩy mạnh, đến ngày 30/10/1954, đơn vị cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi Đông Triều.

Từ truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng hào hùng, mảnh đất Đông Triều hôm nay ngày càng vươn lên với thế và lực mới. Thượng tá Nguyễn Quốc Khánh, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Đông Triều tự hào cho biết: Từ một huyện kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm 2015 Đông Triều trở thành huyện đầu tiên của khu vực phía Bắc và là huyện thứ tư của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phát triển lên thành thị xã; 5 năm sau thị xã chạm đích đô thị loại III. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu nâng cấp Đông Triều đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2025.

Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay thị xã Đông Triều đang mang dáng vóc của đô thị văn minh, hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tình hình an ninh chính trị ổn định, đời sống người dân không ngừng nâng lên...  Một loạt khu đô thị mới được hình thành như: Khu đô thị hai bên Đường 188 (phường Mạo Khê); khu đô thị hai bên đường tránh (phường Đông Triều); khu đô thị mới Kim Sơn phía Bắc Quốc lộ 18... Thị xã có 11/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương dẫn đầu tỉnh và cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Vừa qua thị xã hoàn thành lập đề án đề nghị thành lập thành phố Đông Triều trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024.

Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết: Thị xã sẽ tập trung thực hiện tốt chủ đề công tác năm của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”;  tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng hai con số; giảm các yếu tố phát triển không bền vững trong thu ngân sách; hoàn thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng hành cùng các doanh nghiệp, ngành than, tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, thị xã mở rộng xã hội hóa đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của tỉnh; quản lý tốt nguồn lực đất đai; chuẩn bị kỹ công tác quy hoạch; phối hợp liên thông với các địa phương lân cận, liên thông giao thông nội vùng để tạo nguồn lực phát triển.

NGUYỄN TRƯỜNG