Khe Tù - Chứng tích tội ác một thời của thực dân Pháp

Thứ ba, 30/04/2024 - 08:29

Cùng với Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Khe Tù (ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng ghi dấu sự tàn ác, dã man của thực dân Pháp trong những năm tháng cai trị tại đây. Dưới những chiếc máy chém của kẻ thù, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng của ta và dân thường đã mãi nằm lại nơi đây.

Theo hồ sơ về lý lịch di tích Khe Tù đang được lưu trữ tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh và Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) ghi lại: Sau khi đánh chiếm Tiên Yên, cùng với bộ máy hành chính quy củ, thực dân Pháp còn cho xây dựng các cơ sở hạ tầng như bến cảng, hệ thống đồn bốt, sân bay, bệnh viện tại đây... Đặc biệt, năm 1943 thực dân Pháp đã xây dựng một nhà tù lớn ở khu đất ven sông Phố cũ gần thị trấn Tiên Yên với tên gọi “Khe Tù” để phục vụ cho việc cai trị của chúng.

Khe Tù được bố trí rất kiên cố với hai hệ thống nhà giam đến nay vẫn còn lại nền móng. Các nhà giam được xây thành từng dãy, ngăn từng gian nhỏ để nhốt tù nhân. Thực dân Pháp bố trí các bốt canh, giao thông hào, tường đá, căng dây thép gai dày đặc xung quanh khu vực nhà giam nhằm ngăn chặn tù nhân vượt ngục và những ý định xâm nhập bất hợp pháp từ bên ngoài vào. Đặc biệt, thực dân Pháp còn cho xây dựng các máy chém lộ thiên ngoài trời, mỗi máy chém được trang bị một dao chém có trọng lượng khoảng 70 đến 80kg, dài khoảng 2 mét. Cách máy chém khoảng 20 đến 30 mét là một hầm ngầm để nhốt những tử tù mà chúng cho là cộng sản.

Chứng tích bệ máy chém của thực dân Pháp ở Khe Tù

Các tù nhân ở Khe Tù hàng ngày bị thực dân Pháp bắt lao động khổ sai, làm không tốt thì bị đánh đập, bắt ăn cơm trộn muối, cho uống nước xà phòng. Nhiều tù nhân hứng chịu những đòn tra tấn dã man đã phải nôn thốc, nôn tháo nhưng vẫn bị chúng hành hạ và ép làm việc ngày đêm. Những người tham gia cách mạng không may bị chúng bắt sẽ bị đưa ra máy chém để hành quyết. Chém xong, thực dân Pháp bắt tù nhân đem xác cho vào bao tải quẳng xuống sông. Rất nhiều chiến sĩ cộng sản mãi nằm lại nơi nền đất hoang hóa, trở thành liệt sĩ vô danh. Ngoài ra còn nhiều người dân bị chúng giết oan.

Căm phẫn trước tội ác của thực dân Pháp, một số cuộc giải vây của lực lượng cách mạng địa phương tại Khe Tù nổ ra nhưng không thành công vì trang bị vũ khí của ta còn rất thô sơ, chỉ có gậy gộc, mã tấu. Không tổ chức được các cuộc giải cứu tù binh lớn nên ta chủ yếu nấp trong các bụi cây rậm rạp bên đường để mai phục khi quân Pháp đi tuần hoặc đi nhà thờ qua thì lao ra dùng gậy đánh, cướp vũ khí. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, đất nước giành được độc lập nhưng phải hai tháng sau Tiên Yên mới hoàn toàn được giải phóng do nhân dân ở đây chịu nhiều tầng áp bức, nhất là sự hoành hành của bọn thổ phỉ.

Hơn 80 năm trôi qua, cùng với sự tàn phá của thời gian, những vết tích Khe Tù đã bị hư hỏng và mất dần. Hiện nay chỉ còn lại nền móng của hai nhà tù, một tháp nước, một bốt canh, một bệ máy chém, một hầm nhốt tù nhân, nhà thương. Tuy nhiên từng đó cũng đủ làm chứng tích ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và những hoạt động cai trị hà khắc, dã man của chúng. Đồng thời cho thấy tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng bị giam tại Khe Tù.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 13/12/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định công nhận Di tích lịch sử Khe Tù xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 17/01/2018, Đài hương tưởng niệm các chiến sỹ cộng sản Khu di tích lịch sử Khe Tù được khởi công xây dựng tại vị trí mà trước đây thực dân Pháp đã đặt máy chém, trên khuôn viên 1.500 m2. Công trình đài hương tưởng niệm thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ cộng sản, những người con ưu tú đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm đỏ thêm màu cờ của Tổ quốc; sự hi sinh anh dũng của các chiến sỹ cộng sản nơi đây mãi là bài ca bất diệt, lưu giữ trong lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay Di tích lịch sử Khe Tù đang nằm trong khu đất do Trung đoàn 42, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 quản lý. Di tích thường xuyên được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Yên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 42 trông coi, tu sửa, bảo tồn; là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và nhân dân trên địa bàn.

NGUYỄN TRƯỜNG