Nâng cao khả năng ứng phó với sự cố, thiên tai
Thứ ba, 30/07/2024 - 10:09
Xác định phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang bị; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai sát địa bàn, đồng thời tăng cường luyện tập thuần thục các phương án, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Vào mùa mưa, khu vực các huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh thường có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vỡ đê, sập đổ công trình. Là đơn vị đứng chân trên địa bàn, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 tăng cường tổ chức báo động luyện tập phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thiếu tá Lê Văn Nam, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 43 cho biết: “Đơn vị chỉ đạo các phân đội báo động hằng tuần và tăng cường báo động vào thời điểm xuất hiện mưa lớn. Qua đây nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng cho đội ngũ cán bộ, rèn luyện khả năng cơ động của bộ đội; bảo đảm đơn vị đi đúng, đến đủ, có mặt tại hiện trường sớm nhất để xử trí tình huống. Đây cũng là biện pháp giúp chỉ huy các cấp kiểm tra, bổ sung các loại trang bị, dự trữ vật chất còn thiếu; nâng cao ý thức, tinh thần sẵn sàng ứng phó thiên tai cho bộ đội”.
Hằng năm Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3 làm mới, bổ sung đủ lượng dự trữ vật chất cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, trên cơ sở nhiệm vụ của Quân khu giao, hằng năm Trung đoàn 43 tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình địa bàn, dự báo những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, sự cố, từ đó xây dựng, bổ sung phương án ứng phó, khắc phục hậu quả cụ thể, sát thực tiễn. Trung tá Nguyễn Ngọc Cường, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 43 cho biết: “Kế hoạch xác định rõ lực lượng, phương tiện tham gia, đường cơ động, vị trí tập kết và đơn vị phối hợp hiệp đồng. Điều này bảo đảm cho Trung đoàn luôn có mặt sớm nhất tại hiện trường, xử trí kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai”.
Đóng quân trên các đảo thuộc tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 luôn quán triệt và thực hiên tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cầu tại chỗ. Theo đó, các đơn vị chủ động làm mới, bổ sung đầy đủ lượng dự trữ vật tư theo quy định; duy trì chặt chẽ chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin, tuần tra, canh gác; phối hợp cùng các lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là vào mùa mưa bão, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra.
Thượng tá Vũ Văn Hiệp, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 242 cho biết: Ngoài đảo chịu ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão nên đơn vị chủ động hiệp đồng với cấp uỷ, chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng tổ chức luyện tập các phương án sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm với nhiều tình huống giả định như: Bão to, gió xoáy, nước biển dâng cao gây sạt lở, sập đổ nhà cửa, công trình, đắm tàu, thuyền phải xử lý khẩn cấp. Thông qua đây nâng cao khả năng ứng phó của đơn vị trước thiên tai; giúp cuộc sống của người dân nơi “đầu sóng, ngọn gió” được yên bình.
Những năm gần đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường; các hiện tượng mưa lũ, bão lụt, sạt lở đất, cháy nổ, cháy rừng ngày càng tăng. Trong khi đó địa bàn Quân khu rộng, đa dạng địa hình gồm có cả miền núi, trung du, đồng bằng, hải đảo với hệ thống sông ngòi dày đặc. Từ đặc điểm trên nên công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn được Quân khu xác định là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” và chỉ đạo các đơn vị đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hằng năm. Để chủ động ứng phó thiên tai, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung nhiều kế hoạch như: Ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2023-2028; phòng chống cháy nổ, cứu sập, cháy rừng; ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển, tai nạn giao thông nghiêm trọng; ứng phó với thảm họa dịch bệnh...., bảo đảm sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.
Đại tá Phạm Trọng Đại, Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu cho biết: Trên cơ sở kế hoạch của Quân khu, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch sát đặc điểm tình hình địa bàn đóng quân và tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của đơn vị mình; thường xuyên bổ sung, duy trì nguồn dự trữ vật chất hậu cần, bảo đảm kỹ thuật đúng, đủ theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị chú trọng tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn phổ thông, tập trung huấn luyện phương pháp cấp cứu người bị nạn, di chuyển người và tài sản khỏi vùng thiên tai, gia cố đê điều bằng vật liệu tại chỗ, bảo đảm nâng cao khả năng ứng phó thiên tai ngay từ cơ sở.
Nhằm nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, thảm họa, thời gian qua, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự cấp tỉnh, thành phố và diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các huyện trọng điểm. Điển hình như năm 2021, các tỉnh ven biển gồm Quảng Ninh, Nam Định và năm 2024 là tỉnh Thái Bình tổ chức thành công diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn; năm 2023, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hòa Bình diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao.
Tinh thần chủ động của các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, tham gia kịp thời, xử lý có hiệu quả trước các tình huống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; góp phần bảo đảm an toàn cho đơn vị và bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân trên địa bàn đóng quân.
Nguyễn Trường