Phát huy truyền thống, xây dựng bệnh viện “sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”

Thứ ba, 15/10/2024 - 13:54

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, kịp thời cứu chữa thương binh. Ngày 20/10/1950, tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) hai đội quân y mang phiên hiệu AVT1 và AVT2 được thành lập (tiền thân của Bệnh viện Quân y 7 ngày nay). Ngay từ khi mới được thành lập với biên chế gọn nhẹ, trang bị phương tiện thiếu thốn, thô sơ; song với ý thức trách nhiệm cao, hai đội quân y đã khắc phục mọi khó khăn cấp cứu, chăm sóc hàng trăm thương bệnh binh trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, với phương châm “Tất cả vì thương bệnh binh”, anh chị em hai đội đã chăm sóc thương binh như những người thân ruột thịt của mình.

Đại tá, Bác sĩ CK2 Hoàng Văn Lý, Giám đốc và Đại tá Quản Hoàng Hà, Chính ủy Bệnh viện

 kiểm tra, động viên các y, bác sĩ khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách xã Vô Tranh, huyện Phú Lương,

tỉnh Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tháng 5/1951, thực hiện Nghị quyết của trên từ hai đội quân y AVT1, AVT2 được chuyển đổi tên gọi thành Phân viện 1 và Phân viện 2, cả 2 phân viện đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân y viện hậu phương A. Tháng 3 năm 1953, Cục Quân y quyết định sáp nhập Phân viện 1, Phân viện 2 thành Phân viện 12. Trong quá trình tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, nhân viên Phân viện 12 đã cứu chữa kịp thời nhiều thương bệnh binh; tiếp nhận thu dung, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Mặc dù mới được thành lập trong một thời gian ngắn (4 năm 3 tháng) biên chế gọn nhẹ, trang bị phương tiện thiếu thốn, thô sơ, hoạt động trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang), Phú Thọ, Thanh Hoá… Phân viện đã tham gia cứu chữa, phục hồi sức khoẻ cho hàng ngàn thương bệnh binh và nhân dân trong khu vực đóng quân.

Để thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của các đơn vị trong toàn quân, từ tháng 3/1957 theo quyết định của trên, Phân viện 12 được điều chuyển về Quân khu Tả Ngạn; cũng từ đây Bệnh viện được mang tên mới: Viện Quân y 7, biên chế 8 ban nội, ngoại, chuyên khoa, với 278 cán bộ, nhân viên và trên 400 giường bệnh, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho sự phát triển của Bệnh viện ngày nay.   

Ngày 30/5/1957, vinh dự, tự hào đối với Bệnh viện được đón Bác Hồ - Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân đến thăm đơn vị. Đây là một niềm vui, niềm hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 7. Luôn ghi sâu lời khen ngợi và dặn dò của Bác khi đến thăm và giao nhiệm vụ cho Bệnh viện: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các cô, các chú. Bác giao nhiệm vụ cho các cô, các chú phải đoàn kết thương yêu nhau, hết lòng hết sức phục vụ thương binh, bệnh binh. Anh em thương binh, bệnh binh là những người có công với nước, nay bị thương, bị bệnh trở về đây thì các cô, các chú thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc anh em cho chóng khỏi bệnh…”. Lời dạy của Bác đã động viên, tiếp thêm sức mạnh để Bệnh viện vượt qua những khó khăn, gian khổ, tiếp tục củng cố toàn diện đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là từ năm 1965 đến năm 1968 giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Viện quân y 7 tiếp tục phải sơ tán về nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương như: thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương). Trong thời gian này số thương binh ở các chiến trường B, C chuyển ra nhiều, có ngày số thương binh chuyển đến Viện lên tới 600 người; thương binh chiến trường A và ngay trên địa bàn Quân khu 3 chuyển đến Viện mỗi ngày một tăng. Với tinh thần làm việc hết mình, không quản ngại ngày đêm, Viện đã phục vụ và điều trị được hơn 12 vạn thương binh. Cũng trong giai đoạn này, tại địa bàn đóng quân xã Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) một khó khăn rất lớn là thiếu máu để cấp cứu cho các thương binh trong cơn nguy kịch. Bệnh viện đã cùng với chính quyền địa phương phát động trong thanh niên phong trào hiến máu cứu thương binh; chỉ riêng từ 1965 – 1968 đã có 510 thanh niên và dân quân khu vực đóng quân tự nguyện hiến hàng trăm lít máu để cấp cứu thương binh. Ngoài ra còn có 96 lượt cán bộ, nhân viên của Bệnh viện tự nguyện hiến 19,2 lít máu trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt hành động cao cả, sáng ngời chủ nghĩa nhân văn của Bác sĩ Nguyễn Xuân Xuyên 18 lần hiến máu để cứu sống thương binh.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nư­ớc thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với muôn vàn khó khăn, mặt khác chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam vào cuối năm 1978 đầu năm 1979 xảy ra. Trư­ớc tình hình đó, Bệnh viện tiếp tục phải thu dung, cấp cứu, khám và điều trị cho thư­ơng binh từ biên giới phía Bắc đư­a về, đồng thời thực hiện chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng và Quân khu thành lập các tổ quân y gồm các y, bác sĩ và trang thiết bị lên đường trực tiếp phục vụ chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam và phía Bắc.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu, Cục Hậu cần cùng sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành Trung ương và địa phương, Bệnh viện có bước phát triển khá toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thu dung, cấp cứu, điều trị và nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh; quân nhân tại ngũ thuộc LLVT Quân khu và các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn, các đối tượng chính sách và nhân dân; đào tạo, nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn cho tuyến quân y cơ sở; bảo đảm quân y tuyến đảo Đông Bắc, đảo Phan Vinh/Quần đảo Trường Sa và làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Nam Su Đăng). Đặc biệt, trong phòng chống dịch Covid-19, với quyết tâm cao và sự nỗ lực vượt bậc, tập thể y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã không quản gian khó, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bộ đội và Nhân dân.

Xác định tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc; Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện tập trung đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện chuyên môn sát với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn địa bàn; chăm lo phát triển đội ngũ, y bác sĩ chất lượng cao bằng các biện pháp đồng bộ, như đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ, phát triển y tế chuyên sâu, cử nhiều y, bác sĩ có năng lực đi học tập, bồi dưỡng tại các trung tâm y khoa lớn, các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, nhằm “đón đầu” các kỹ thuật mới, từ đó nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị. Qua các thời kỳ Bệnh viện đã có trên 10 cán bộ, y bác sĩ phát triển, trưởng thành trở thành các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ y khoa đầu ngành, uy tín trong và ngoài quân đội, tiêu biểu là Trung tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Duy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện nay số cán bộ, thầy thuốc có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2 và cấp 1 chiếm tỉ lệ cao gần 80%; đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên lành nghề, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn công tác. Cùng với đó, bệnh viện tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để ứng dụng trực tiếp vào quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, điều trị tại bệnh viện. Chỉ tính riêng năm 2024, Bệnh viện nghiệm thu, đánh giá chất lượng 11 đề tài nghiên cứu khoa học và 04 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (có 09 đề tài và 02 sáng kiến bảo đảm chất lượng); trong đó có 01 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 01 đề tài cấp tỉnh; 01 đề tài cấp Quân khu. Có 02 cá nhân được tặng giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 4” (01 giải Nhì, 01 gải khuyết khích); 01 giải pháp được tặng giải Nhì và 01 giải pháp được tặng giải khuyến khích của UBND tỉnh Hải Dương; tổ chức 07 hội thảo khoa học giới thiệu hướng dẫn các kỹ thuật mới.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện hết sức quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhân tố quyết định đến việc thực hiện tốt phương châm “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”. Theo đó, Bệnh viện coi trọng việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì trong tổ chức khám, chữa bệnh. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ, đề cao kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Bệnh viện chú trọng xây dựng, củng cố y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lấy y đức làm nền cho y thuật, coi đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Việc xây dựng, nâng cao y đức còn được Bệnh viện gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị Quân y 5 tốt”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Trong công tác chăm sóc bệnh nhân, Bệnh viện chỉ đạo thực hiện tốt phương châm: “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, trở thành thói quen hằng ngày của mỗi cán bộ thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện. Đồng thời, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thi, hội thao như: “Báo cáo viên giỏi”; “Điều dưỡng viên giỏi”; “Nét đẹp ngành Y”,… nhằm nâng cao y đức, chất lượng công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh, tạo niềm tin yêu đối với người bệnh. Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, hằng năm Bệnh viện đã khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn đối tượng chính sách, hộ nghèo, bà con ở vùng sâu, vùng xa của các huyện biên giới, hải đảo như: Cô Tô, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái (Quảng Ninh) và nhiều chương trình khác đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân ở các vùng miền.

Trải qua 74 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, thời gian tới cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, vượt khó, sáng tạo” và danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xây dựng Bệnh viện ngày càng lớn mạnh, là bệnh viện hạng 1, đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Quân khu, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân vùng Châu thổ sông Hồng; địa chỉ tin cậy trong khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT

74 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bệnh viện Quân y 7 đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, được Bác Hồ về thăm, được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

Năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng Huân chương chiến công hạng Ba; tháng 2/1969 được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa; năm 1970 Chính phủ tặng Huân chương chiến công hạng Nhì; ngày 20/12/1994 Bệnh viện vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2000, Bệnh viện được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công Hạng Ba; năm 2005 được tặng Huân chương Quân công Hạng Nhì; năm 2010, đ­ược Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân ch­ương Quân Công Hạng Nhất; năm 2022 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích phòng chống Đại dịch Covid-19; từ năm 2020 đến nay Bệnh viện liên tục được Bộ Quốc phòng, Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen các loại.

Đại tá, Bác sĩ CK2 Hoàng Văn Lý

Giám đốc Bệnh viện