Sử dụng giấy tờ giả - đi tù thật

Thứ bảy, 18/11/2023 - 14:29

Thời gian qua, nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả đã phải nhận hình phạt tù thích đáng cho hành vi coi thường pháp luật của bản thân. Việc dùng giấy tờ giả - đi tù thật không còn là lời cảnh báo...

Đi tù vì dùng giấy tờ giả

Với hành vi sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả được đặt mua trên mạng xã hội (MXH) về sử dụng. Trong quá trình điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, Nguyễn Tiến Đức (SN 1982) trú tại tổ 05, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) bị TAND thành phố Hòa Bình xử phạt 9 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đáng nói, đây không phải là lần đầu Nguyễn Tiến Đức bị cơ quan chức năng đưa ra xử lý về việc sử dụng các loại giấy tờ giả. Trước đó, vào năm 2021 bị cáo này đã từng bị TAND thành phố Hòa Bình xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ, về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, vào khoảng đầu năm 2021 Đức lên MXH Facebook thấy có người rao bán, làm giả các loại bằng cấp, tài liệu của cơ quan, tổ chức, nên đã nảy sinh ý định làm giả GPLX ô tô để sử dụng. Thực hiện ý định này, Đức đã liên hệ với tài khoản MXH của 1 người không rõ nhân thân, lai lịch để đặt làm giả GPLX ô tô hạng B2 với giá 400.000 đồng. Sau khi nhận được GPLX theo đúng yêu cầu, Đức đã dùng để làm giấy tờ trình cơ quan chức năng khi có yêu cầu trong lúc điều khiển phương tiện. Hành vi này đã bị lực lượng chức năng phát giác và lập hồ sơ chuyển các cơ quan tố tụng đề nghị xử lý.

Phan Duy Thắng, Giám đốc một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình đã bị xử phạt 24 tháng tù (treo) về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Ngoài trường hợp của Nguyễn Tiến Đức, trước đó TAND tỉnh cũng đã đưa bị cáo Trần Xuân Lực (SN 1987), trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) ra xét xử và tuyên phạt 13 năm tù cho 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong đó, riêng tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” bị cáo này phải nhận mức án 3 năm tù. Theo đó, do cần tiền để chi tiêu cá nhân Trần Xuân Lực đã thuê xe ô tô tải của anh Lưu Đức Q ở phường Quỳnh Lâm rồi mang đi bán. Để bán được xe, Lực đã lên hệ với 1 tài khoản MXH zalo để thuê làm giả giấy tờ xe. Sau khi làm giả giấy tờ chiếc xe ô tô, Lực đã mang bán với giá 400 triệu đồng để lấy tiền tiêu.

Mới đây nhất, ngày 04/10/2023 TAND tỉnh đã giữ nguyên mức hình phạt 24 tháng tù (treo) đối với Phan Duy Thắng (SN 1965) trú tại thị trấn Lương Sơn về hành vi “làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức”. Để hợp thức hóa hồ sơ, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông góp vốn vào Công ty của mình, Thắng đã làm giả nhiều tài liệu để hợp thức hóa các thủ tục gửi đến cơ quan chức năng và xâm hại đến quyền và lợi ích của một số cổ đông.

Ngoài các trường hợp trên, hiện cơ quan chức năng cũng đang tập trung điều tra hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1991) trú tại xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc) về hành vi “làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức”. Theo đó, ngoài việc làm giả giấy CNQSDĐ để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đối tượng này còn có hành vi làm giả giấy đăng ký chiếc xe ô tô của mình để sử dụng. Bởi giấy đăng ký thật của chiếc xe Tuấn đã dùng để cầm cố lấy tiền tiêu trước đó.

Sự nghiêm minh của pháp luật

Theo ông Vũ Văn Túc, thẩm phán TAND tỉnh Hòa Bình thì, tình trạng làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu của cơ quan, tổ chức Nhà nước ngày càng với nhiều mục đích khác nhau, tinh vi nên rất khó phát hiện. Hiện nay, rất dễ dàng tìm mua tất cả các loại giấy tờ giả như GPLX, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy CNQSDĐ, thậm chí là các loại bằng cấp... trên các trang MXH. Trong đó, tại Hòa Bình, qua các vụ án đã được đưa ra xét xử và phát hiện trong thời gian qua, phần lớn các đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan tổ chức nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với những hành vi này, pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc như nhiều trường hợp đã được TAND hai cấp của tỉnh đưa ra xét xử và tuyên những bản án thích đáng với hành vi phạm tội trong thời gian qua.

Thực tế hiện nay, sự tinh vi của các loại giấy tờ giả được các đối tượng sử dụng máy tính làm công cụ và thiết lập các kỹ thuật vi tính, công nghệ cao để làm mà mắt thường khó có thể phát hiện. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều người, vì lợi trước mắt mà quên đi những nguy hại có thể xảy ra lâu dài nên các đối tượng phạm tội thường xuyên mời chào, giới thiệu lôi kéo người dân sử dụng, làm giấy tờ giả trên các trang MXH. Theo đánh giá của thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, phó Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Hòa Bình, hành vi của làm giả giấy tờ là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến ANTT - TTATXH, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết TTHC của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Điều này được minh chứng bằng việc cơ quan Công an các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng làm giả giấy CNQSDĐ để giao dịch mua bán, vay vốn, chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản. Điển hình như việc bà Nguyễn Thị T và Bùi Thị V, cùng trú tại Thanh Cao (Lương Sơn) sử dụng Giấy CNQSDĐ giả để làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Lực lượng chức năng cũng đã phát đi nhiều thông báo, cảnh báo về các hành vi “làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức” để thực hiện các hành vi phạm tội khác. Do vậy, người dân tuyệt đối không được mua, sử dụng giấy tờ giả vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể vướng vào vòng lao lý.  

MẠNH HÙNG