Sức sống mới trên dải biên cương

Thứ sáu, 22/11/2024 - 10:33

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, cùng với cả nước, quân và dân tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng biên giới nơi địch tiến công vào như: Pò Hèn, Thán Phún (TP Móng Cái), Đồng Văn, Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Quảng Đức (huyện Hải Hà) đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước hòa bình, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các huyện biên giới tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động vượt khó, triển khai nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần giúp các thôn, bản vùng “phên dậu” ngày càng giàu mạnh.

Chúng tôi đến khu dân cư 26 hộ thuộc thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái tìm hiểu và được biết, 20 năm trước, nơi đây là vùng đất hoang vắng, chỉ có 26 hộ dân đến sinh sống phát triển kinh tế mới và lập thành khu dân cư. Ngày nay, khu dân cư đã có 30 hộ nhưng vẫn giữ lại tên cũ. Tại đây, những ngôi nhà nhỏ, tạm bợ ngày nào dần được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang; diện tích đất khô cằn, bỏ hoang một thời giờ đã thành vườn cây ăn quả, ao thả cá.

LLVT tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết - Thắm tình quân dân tại xã Hải Sơn (TP Móng Cái)

Ghé thăm gia đình anh Lục A Khanh trước đây sinh sống ở xã vùng cao Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Do nhà có đông anh em, không có đất sản xuất nên anh Khanh xung phong lên vùng kinh tế mới ở thôn Thán Phún Xã. Khi mới đến đây, cuộc sống của gia đình anh cũng như các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Khanh quyết tâm trồng rừng, làm ruộng và phát triển chăn nuôi. Đến nay, anh Khanh đã xây được ngôi nhà kiên cố, khang trang. Anh Khanh cho biết: “Những năm qua, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo việc làm, qua đó góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của đồng bào. Giờ đây tại khu dân cư 26 hộ đã có 7 gia đình mua được xe ô tô, đời sống người dân ngày càng được nâng cao”.

Xã Hải Sơn nằm giáp biên giới với gần 87% cư dân đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào Sán Chỉ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, diện mạo xã Hải Sơn đã có nhiều đổi thay. Đồng chí Sẻn Thị Hỷ, Phó chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: “Từ khi thực hiện Chương trình 1719, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ở xã đã được đầu tư, nâng cấp đầy đủ và phát huy hiệu quả, điều này giúp cải thiện điều kiện kinh tế của đồng bào. Năm 2023, thu nhập bình quân ở xã đạt 64 triệu đồng/người/năm, bảo đảm đời sống ấm no cho người dân”.

Không chỉ có xã Hải Sơn mà cuộc sống của người dân ở địa bàn dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh đang có sự đổi thay rõ rệt trong những năm gần đây. Điều này được minh chứng bằng những con đường nhựa, đường bê tông rộng, phẳng lỳ dẫn tới từng thôn, bản; những ngôi nhà kiên cố, kiến trúc hiện đại được xây dựng ngày càng nhiều; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp được xây dựng khang trang. Kết quả trên có được trước tiên là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và địa phương, nhất là chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới. Nhiều khu du lịch cộng đồng, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp cũng từ đó mà hình thành, giúp cuộc sống người dân nơi đây dần “thay da, đổi thịt”.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn, chung tay vào sự phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên cương còn có vai trò to lớn của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội, nhất là các đơn vị thuộc LLVT Quân khu, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn. Không chỉ đóng vai trò là “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc mà cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm bám biên, bám bản lao động, sản xuất. Đặc biệt, thực hiện chức năng đội quân công tác, các đơn vị tích cực tham gia giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Là đơn vị có các lâm trường đóng quân dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh và thường xuyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các dự án giúp người dân phát triển kinh tế xã hội. Đại tá Bùi Xuân Bình, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 khẳng định: “Chính sự kiên trì, bền bỉ, sát cánh cùng đồng bào của bộ đội lâm trường những năm qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, mối quan hệ quân - dân nơi biên cương ngày càng bền chặt. Qua đó giúp diện mạo khu vực biên giới Đông Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải  thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tiềm lực, thế trận quốc phòng vùng biên cương được tăng cường vững chắc”.  

Nguyễn Trường