WTO kêu gọi đồng thuận để tạo đột phá
Thứ năm, 29/02/2024 - 15:27
Ngày 26-2, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hay còn gọi là MC13, đã khai mạc ở thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tại đây, người đứng đầu WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các nước thành viên đạt đồng thuận để tạo bước đột phá.
Theo AFP, phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala kêu gọi Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên đạt được sự đồng thuận về các quyết định đưa ra tại MC13 trong tuần này. Người đứng đầu WTO cho biết, sự không chắc chắn và bất ổn ở khắp mọi nơi, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng thế giới hiện nay đang ở tình thế khó khăn hơn so với hai năm trước khi giá thực phẩm, năng lượng và các nhu yếu phẩm khác tăng cao khiến túi tiền của người dân bị ảnh hưởng.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại MC13 ở Abu Dhabi, UAE.
Trong khi đó, sự phục hồi của các quốc gia sau đại dịch Covid-19 không đồng đều. Bà Okonjo-Iweala cũng lưu ý đến tình trạng gián đoạn của hoạt động vận chuyển tại Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Về phần mình, bà Athaliah Lesiba Molokomme, Chủ tịch Đại hội đồng WTO cho biết, công việc mà các Bộ trưởng Thương mại phải đối mặt tại MC13 “quan trọng hơn bao giờ hết” trước những thách thức toàn cầu. Bà Molokomme nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, chúng ta phải cùng nhau bảo đảm rằng WTO có thể ứng phó với những thách thức hiện nay”.
Cũng tại lễ khai mạc, Comoros và Timor-Leste đã chính thức trở thành thành viên của WTO, qua đó nâng tổng số quốc gia thành viên của tổ chức này lên 166.
Là hội nghị đầu tiên sau hai năm của WTO, MC13 dự kiến diễn ra đến ngày 29-2. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6-2022, các Bộ trưởng Thương mại đã đạt được một thỏa thuận lịch sử cấm trợ cấp cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản gây hại cho sinh vật biển và đồng ý miễn trừ bằng sáng chế tạm thời đối với vaccine ngừa Covid-19, đồng thời cam kết thiết lập lại hệ thống giải quyết tranh chấp mà Washington đã tạm dừng vào năm 2019 sau nhiều năm ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của WTO.
WTO hy vọng hội nghị lần này sẽ đạt được bước tiến về một số vấn đề, đặc biệt là đánh bắt thủy sản, nông nghiệp và thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều này được đánh giá là khó khăn vì các quyết định của WTO đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên. Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis cho rằng không dễ để lặp lại thành công của hội nghị năm 2022. “Các cuộc đàm phán về thủy sản, nông nghiệp và thương mại điện tử sẽ vẫn tiếp diễn cho đến giai đoạn cuối của hội nghị. Các cuộc đàm phán về cải cách giải quyết tranh chấp và một số nội dung trong văn kiện cuối cùng có thể cũng sẽ gặp nhiều thách thức”, ông Dombrovskis nhận định.
WTO đang đối mặt với áp lực phải đạt được tiến bộ tại hội nghị ở Abu Dhabi trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khi cựu Tổng thống Donald Trump tham gia tranh cử. Trong 4 năm ngồi ghế tổng thống (từ 2017 đến 2021), ông Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO.
Trong khi có những hoài nghi về việc các nước thành viên WTO đạt được bước tiến trong các vấn đề lớn như thủy sản, nông nghiệp, vẫn có những tiến bộ trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là viện trợ cho các nước đang phát triển. Trước thềm MC13, hơn 120 thành viên WTO đã đạt thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Để đạt được điều này, các nước tham gia đã đồng ý cải thiện tính minh bạch của những biện pháp thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các biện pháp hỗ trợ đầu tư khác và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Người đứng đầu WTO Okonjo-Iweala đánh giá đây là thỏa thuận hứa hẹn giúp các bên ký kết có thể thu hút được FDI để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo QĐND