Tạo bước đột phá trong áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội với công nghiệp quốc phòng, an ninh
Thứ tư, 12/06/2024 - 17:54
Chiều 12.6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng (Mục 4 Chương II), có ý kiến cho rằng, công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển theo hướng lưỡng dụng sẽ tận dụng và phát huy được các nguồn lực để phát triển kinh tế, vì vậy đề nghị nghiên cứu xây dựng quy hoạch cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh và các sản phẩm lưỡng dụng; có các chính sách đặc thù phát triển công nghệ lưỡng dụng; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư, mở rộng phương thức huy động, phát huy tổng thể các nguồn lực của đất nước.
Quang cảnh phiên họp
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng đã được thể chế và quy định nguyên tắc tại Điều 5 và được nghiên cứu, thiết kế thành một mục riêng (Mục 4 Chương II).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.
Đối với công nghệ lưỡng dụng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung 1 Điều (Điều 28 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) về phát triển công nghệ lưỡng dụng quy định nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng và giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh được ưu tiên đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 83), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát danh mục dự án nhóm A tại Luật Đầu tư công, đối chiếu với các dự án thực tế triển khai để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp; đề nghị bổ sung nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công về dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư; nghiên cứu sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công theo hướng “dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ, trừ dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh” và quy định tại Điều này.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung tại khoản 4 Điều này quy định: “Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công như sau: “Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ, trừ dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;”, đồng thời, chỉnh lý về kỹ thuật như Điều 84 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Rà soát kỹ quy định về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội và Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; nêu rõ, đây là dự thảo Luật có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh rất lớn, tạo bước đột phá cho việc áp dụng các chính sách đặc thù, vượt trội đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Điều 81 dự thảo Luật hiện đang quy định về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao. Theo đó, Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 25 của Bộ luật Hình sự về loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, xem xét kỹ lưỡng quy định này.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ luật Hình sự là bộ luật quy định về tội phạm, hình phạt, trách nhiệm hình sự hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự. Do đó, năm 2015 khi xây dựng bộ luật này, Quốc hội đã quán triệt nghiêm túc nguyên tắc tại Điều 14 của Hiến pháp 2013 là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, tức là Bộ luật Hình sự quy định mà không giao cho văn bản dưới luật.
Các đại biểu dự phiên họp.
Việc giao Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự phải tuân thủ theo đúng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20.6.2017 của Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Nghị quyết 41/2017/QH14 giao “Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử...; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”.
Như vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cả 2 văn bản này đều yêu cầu phải thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử, thì Tòa án Nhân dân Tối cao và Hội đồng Thẩm phán mới được hướng dẫn Bộ luật Hình sự nhằm thực hiện đúng nguyên tắc tại Điều 14 của Hiến pháp 2013.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.
“Do đó, nội dung thể hiện tại Điều 81 dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh. Nếu trong trường hợp vẫn tiếp tục quy định như Điều 81, thì phải thể hiện sao cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 41 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị.
Cho rằng nội dung Điều 81 là "hiếm luật nào quy định", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cân nhắc theo hướng không quy định Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 25 của Bộ luật Hình sự.
Theo daibieunhandan.vn