Vượt gian khó, gắn bó với đảo tiền tiêu

Thứ hai, 26/02/2024 - 13:44

Gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ từ ngày đầu nhập ngũ đến nay đã hơn 30 năm nên Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn, nhân viên chính trị Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Ban CHQS huyện Bạch Long Vĩ, Bộ CHQS TP Hải Phòng) coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Bằng tình cảm đặc biệt và trách nhiệm của người lính, anh Tuấn nguyện cống hiến trọn đời quân ngũ với hòn đảo tiền tiêu...

Bài 1: Kiên trì bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”

Năm 1993, sau khi học xong lớp sơ cấp dược, Lê Anh Tuấn được điều động về công tác tại Bệnh xá Trung đoàn 952 (Vùng 1 Hải quân) đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ. Ngày đó đảo rất hoang sơ, chỉ có đá, cát và một số công trình chiến đấu phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cả đảo có vài chục hộ dân là thanh niên xung phong ra sinh sống, còn lại là các đơn vị Quân đội. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, anh Tuấn cho biết: “Không có điện nên buổi tối chúng tôi phải thắp đèn dầu. Doanh trại tạm bợ, phòng ở toàn là nhà tranh đắp đất, giường ngủ là những ván gỗ, sạp tre ghép lại với nhau. Mùa đông gió lạnh lùa vào, anh em ôm nhau ngủ mà vẫn rét run người, nhiều đêm thức trắng vì lạnh”.

Là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ nên tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra quanh năm, nhất là vào mùa khô các giếng khơi đều cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, anh Tuấn và đồng đội phải khoét một lỗ sâu ở đáy giếng, sáng sớm hôm sau trèo thang xuống, dùng vỏ lon múc nước đổ vào xô, chia cho nhau dùng trong cả ngày. Anh Tuấn nhớ lại: “Gọi là nước ngọt nhưng vẫn bị nhiễm mặn. Nước sau sinh hoạt được chúng tôi gom lại, tận dụng để tưới rau. Tuy nhiên, do khí hậu ngoài đảo khắc nghiệt, mưa bão thường xuyên, đất đai cằn cỗi cộng thêm thiếu nước tưới khiến cây trồng không thể phát triển. Ngày ấy, rau xanh là món ăn xa xỉ đối với lính đảo. Chỉ khi nào có tàu tiếp tế ra thì bộ đội mới được ăn tươi, ăn rau, còn lại cơ bản phải sử dụng đồ khô, đồ biển”.

Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn (bên trái) cùng đồng đội củng cố cảnh quan môi trường

Thiếu thốn về vật chất là vậy nhưng theo chia sẻ của anh Tuấn thì điều đó cũng không khiến cán bộ, chiến sĩ “sợ” bằng... nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, đặc biệt là mỗi dịp lễ, tết. Ngày đó ít có tàu ra đảo, khoảng một tháng mới có một chuyến tàu ra tiếp tế lương thực, thực phẩm. Khi tàu trở vào đất liền, bộ đội được nghỉ phép sẽ theo tàu về thăm gia đình. Mỗi năm chỉ được về thăm nhà một lần, chưa có điện thoại nên phương thức liên lạc duy nhất với người thân của lính đảo là thư tay. Anh Tuấn kể: “Chúng tôi nhờ đồng đội đi phép gửi thư về cho gia đình và mang thư của gia đình gửi ra đảo khi lên phép. Những lá thư giúp chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà, có thêm động lực để bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió”.

Cuộc sống biền biệt nơi đảo xa khiến anh Tuấn ít có điều kiện đi tìm hạnh phúc riêng. Những người trong gia đình sốt ruột quá nên nhờ mai mối, nhưng khi biết anh Tuấn là bộ đội đóng quân ngoài đảo thì hầu hết “đối tượng” e ngại. Cũng có nàng ban đầu nhận lời tìm hiểu, nhưng rồi họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến ngày chàng lính đảo được về phép. Mãi đến năm 2007, khi đã 35 tuổi, anh Tuấn mới tìm được “một nửa” của mình. Người vợ thảo hiền là cô giáo cùng quê, giúp anh thêm yên tâm công tác. “Từ ngày cưới nhau đến nay, vợ chồng tôi vẫn ở chung với bố mẹ. Như vậy vừa có thể nhờ ông bà chăm sóc, đưa đón các cháu đi học mà vợ cũng đỡ buồn khi tôi biền biệt xa nhà”-anh Tuấn chia sẻ.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng quyết định rút gọn Trung đoàn 952 (Vùng 1, Hải quân) thành Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ thuộc Bộ CHQS TP Hải Phòng (nay thuộc Ban CHQS huyện Bạch Long Vĩ, Bộ CHQS TP Hải Phòng). Thời điểm đó, nhiều đồng đội chuyển vào đất liền công tác, nhưng anh Tuấn viết đơn xung phong ở lại đảo. Anh bộc bạch: “Mọi người trong gia đình cũng khuyên tôi chuyển vào đất liền để được gần vợ con, nhưng những năm tháng gắn bó với đảo tôi thấu hiểu rõ nhất những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội và nhân dân nơi đây nên không lỡ rời xa. Ngoài ra trách nhiệm của người lính phải xông pha nơi gian nan, vất vả càng khiến tôi quyết tâm ở lại giữ đảo, giữ biển. Cũng mừng là sau khi thuyết phục, vợ và bố mẹ đều hiểu,  ủng hộ nên tôi yên tâm ở lại gắn bó với đảo”.

         Hiện nay, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn là người có thâm niên công tác nhiều nhất ở Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ. Chuyện về những ngày tháng gian khổ và tâm nguyện gắn bó cả đời quân ngũ với hòn đảo thân yêu vẫn được anh kể với thế hệ sau như một sự động viên, khích lệ để cán bộ, chiến sĩ có thêm động lực vượt khó nơi đầu sóng, ngọn gió. Anh Tuấn tâm sự: “Tôi đã quen cảm giác đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rào, sáng dậy hít hà vị mặn của biển khơi. Từng con đường, gốc cây, bờ kè, ghềnh đá trên đảo đều trở thành thân quen với biết bao kỷ niệm. Với tôi, đảo là nhà, là quê hương thứ hai và có lẽ sau này về nghỉ hưu, phải xa đảo, tôi vẫn sẽ nhớ mãi những ngày tháng gian khó gắn bó với nơi này”.

                                                                                                           (còn nữa)

NGUYỄN TRƯỜNG