Chiến thắng trận đầu của quân và dân tỉnh Quảng Ninh ngày 05/8/1964

Thứ ba, 12/11/2024 - 06:51

Để cứu nguy cho sự thất bại ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường các hoạt động gây áp lực quân sự chống phá miền Bắc nước ta. Ngày 17 tháng 02 năm 1964, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch 34A, một chương trình về những hoạt động quân sự không công khai “Chống phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ngày 02 tháng 08 năm 1964, Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc tuần tiễu ở vịnh Bắc Bộ, nhằm phô trương lực lượng kiểm soát việc vận chuyển ven biển, nghiêm trọng nhất là chúng đã gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964. Ngày 30 tháng 7 năm 1964, Mỹ cho tàu khu trục Ma-rốc hoạt động tuần tiễu trong vịnh Bắc Bộ thuộc vùng biển nước ta. Cùng ngày tàu biệt kích ngụy bắn phá đảo Hòn Mê và đảo Hòn Ngư.

12 giờ 30 phút ngày 05 tháng 8 năm 1964, các lực lượng phòng không của quân và dân thị xã Hòn Gai được lệnh vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu. Máy bay địch chia thành nhiều tốp đánh phá nhiều mục tiêu của ta ở ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; cùng thời gian chúng đánh phá Lạch Trường (Thanh Hóa), 2 tốp máy bay 8 chiếc cũng cất cánh từ sân bay Con-te-la-sơn vào đánh phá căn cứ hải quân của ta ở Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Tự vệ khu mỏ Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng bộ đội trong trận đầu bắn máy bay Mỹ, ngày 05/8/1964. Ảnh tư liệu.

14 giờ 30 phút, đợt đầu ta phát hiện 4 máy bay cường kích hải quân Mỹ, chúng cất cánh từ tàu sân bay, lấy các điểm Bạch Long Vĩ, đảo Long Châu làm chuẩn, bay là là sát mặt biển, đến đèn Long Châu thì nâng độ cao, bay qua Vịnh Hạ Long, lấy cao điểm 288 (mỏ Hà Tu) bổ nhào từ hướng Đông Bắc đánh vào quân cảng hải quân, Bãi Cháy và các tàu hải quân đậu trong vùng Cửa Lục. Khi máy bay địch đã bắn loạt đạn đầu vào quân cảng hải quân, thị xã Hòn Gai cũng kéo còi báo động, cao xạ 271, trận địa Hà Tu có một khẩu đội 14,5mm đã nổ súng được một loạt, còn lại các trận địa 88mm và 14,5mm của nhà máy điện Cọc 5 Bãi Cháy, Hà Tu cũng chưa kịp nổ súng. Đây là lần đầu tiên ta đánh máy bay phản lực siêu âm của đế quốc Mỹ nên không khỏi bị lúng túng trong phút đầu.

Khi máy bay địch bổ nhào lần thứ hai, tiếp tục đánh vào sân cảng, cầu tàu và các tàu đậu ngoài, thì các hỏa lực 37mm, 14,5mm từ các tàu hải quân bắn lên mãnh liệt, các hỏa lực của trận địa trung cao Bãi Cháy, Cọc 3, Hà Tu bắn lên dồn dập, những loạt đạn lửa súng máy cao xạ 37mm kéo dài đan chéo nhau, chặn các đường bay của địch, các cụm khói trung cao như nở hoa trên bầu trời Hòn Gai.

Khí thế chiến đấu mỗi lúc càng thêm sôi sục, thời cơ tiêu diệt địch đã tới, ở trận địa chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ nhắc nhau lập công đầu, bắn rơi máy bay Mỹ. Các trận địa súng bộ binh của dân quân tự vệ nhắc nhau khẩu hiệu “có giặc là đánh, đánh là phải thắng”.

Để phối hợp với các tàu hỏa lực, các trận địa pháo cao xạ Bãi Cháy, Cọc 3, Hà Tu đã tập trung đánh vào đội hình chủ yếu của địch, buộc địch phải phân tán đội hình, thay đổi hướng bổ nhào công kích để tránh đạn pháo trung cao của ta, tạo điều kiện cho các hỏa lực của dân quân tự vệ phát huy tác dụng.

14 giờ 50 phút, từ các trận địa trên cao có tiếng reo hò “máy bay cháy”, “máy bay cháy lao ra biển”,… chỉ huy phòng không đã điện cho Thị đội trưởng Phạm Đình Nghĩa tổ chức lực lượng đi bắt giặc lái. Đây là tên giặc lái máy bay Mỹ bị bắt sống đầu tiên trên miền Bắc tại Hòn Mối, Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

14 giờ 56 phút, từ trên các trận địa Bãi Cháy, bến phà, cảng Hòn Gai, núi Bài Thơ lại vang lên tiếng reo hò “máy bay cháy rồi”,… tiếng reo hò khơi dậy cả một vùng trời khu mỏ, nhân dân ở Bãi Cháy, khu Ba đảo, bến cảng Hòn Gai được tận mắt thấy máy bay Mỹ bốc cháy lao qua vịnh Hạ Long ra biển.

Kết quả, chỉ trong 49 phút chiến đấu, ta đã bắn rơi 3 máy bay (trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ), bắt sống 01 giặc lái; đồng thời bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Chiến thắng ngày 05 tháng 8 năm 1964 của quân và dân thị xã Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu cho cả giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng đó không những có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với miền Bắc, với cả nước và quốc tế; cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh cùng với nhân dân các dân tộc và giai cấp công nhân vùng mỏ đã nêu cao tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, giáng đòn quyết định vào cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ. Chiến thắng đó đã tô thắm thêm truyền thống “kiên cường, bất khuất” của những người con đất mỏ anh hùng, bằng tài trí thông minh, sáng tạo, bằng sự đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, với vũ khí trang bị sẵn có đã đánh thắng lực lượng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.

NGUYỄN THANH (tổng hợp)