Thanh niên Quân đội tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Thứ năm, 29/02/2024 - 15:18

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thực sự đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có những tác động lớn tới nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Việc tham gia vào các trang mạng xã hội của giới trẻ nhằm mục đích giải trí, chia sẻ và trao đổi thông tin, giao lưu, kết nối đã trở nên phổ biến. Việc sử dụng internet có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Thế nhưng nếu chủ quan, đơn giản, thế hệ trẻ rất dễ bị “lạc lối” trên mạng xã hội; nguy hiểm hơn internet đã gián tiếp phát tán những thông tin xấu độc, hoặc rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật an ninh- quốc phòng gây hại cho cộng đồng

Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch ra sức dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận thanh niên thực hiện theo ý đồ mà chúng đã sắp đặt; bằng các thủ đoạn tinh vi và các phương tiện hiện đại, nhất là mạng internet với các dịch vụ trực tuyến đa dạng như: các Website, Email, Facebook, Zalo, Twitter, Youtube, MySpace,… các thế lực phản động ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật, tuyên truyền lôi kéo làm cho thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên quân đội nói riêng xa rời Đảng, xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; ra sức truyền bá hệ tư tưởng giai cấp tư sản, truyền bá văn hóa, lối sống thực dụng vị kỷ cho thanh niên dẫn đến nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ trẻ Trung đoàn 50 (Bộ CHQS TP. Hải Phòng). (ảnh minh họa)

Nhằm định hướng cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong việc sử dụng internet, Bộ Quốc phòng đã có Thông tư 110/2014/TT-BQP ngày 22 tháng 8 năm 2014 về Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 202/2016/TT-BQP ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Bộ Quốc phòng quy định về bảo đảm an toàn thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Công điện số 100/Đ-CT, ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn trước các thông tin, hình ảnh, clip xuyên tạc, chống phá Quân đội. Tuy nhiên, khi sử dụng internet một số cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nhất là thanh niên quân đội vẫn còn có những hạn chế như: Bản lĩnh chính trị của một bộ phận thanh niên chưa cao; kỹ năng sử dụng internet an toàn còn yếu; còn biểu hiện chủ quan, sơ hở trong sử dụng các thiết bị điện tử thông minh tham gia mạng xã hội và internet để kẻ xấu lợi dụng chống phá. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ hiện nay còn “lơ mơ” chưa nhận biết rõ “đối tượng”, “đối tác” của cách mạng nước ta hiện nay, điều này rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào những “cạm bẫy”, dẫn tới sa ngã, thậm chí bị “vô hiệu hóa” mất tinh thần đấu tranh, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Do đó, tổ chức Đoàn các cấp trong quân đội cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin định hướng tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trước các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội.

 Cấp ủy và người chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải luôn xác định nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động, tích cực ngăn chặn, đẩy lùi và bác bỏ các thông tin sai trái, độc hại do các thế lực thù địch gây ra. Thực hiện tốt “4 không”: Không nghe, không xem, không đọc, không tin những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thống nhất trong nhận thức và hành động không để những thông tin xấu độc lan truyền, tạo dư luận không tốt trong đơn vị. Chỉ đạo lực lượng chuyên sâu đẩy mạnh đấu tranh, viết bài, chia sẻ, bình luận, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng; tăng cường đấu tranh trước các luận điệu chống phá Quân đội của các thế lực thù địch; tuyên truyền sâu rộng bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những tấm gương bình dị, cao quý, hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, gương người tốt, việc tốt…

Tăng cường công tác quản lý internet và các trang mạng xã hội, hạn chế thấp nhất tác động xấu tới thanh niên. Hiện nay, nhu cầu khai thác thông tin trên internet của giới trẻ ngày càng nhiều, nội dung, mục đích cũng rất phong phú, đa dạng và nhiều chiều. Hơn nữa, các phương tiện tiếp nhận thông tin cũng ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, tinh vi, khó kiểm soát. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên tổ chức quán triệt, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên thanh niên các chỉ thị, thông tư, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân khu về quản lý, khai thác sử dụng mạng internet và bảo mật mạng thông tin điện tử; nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn bí mật nhà nước, bí mật quân sự khi khai thác, sử dụng internet và tham gia các trang mạng xã hội. Tổ chức đăng ký, thống kê, quản lý chặt chẽ những trường hợp máy tính có kết nối mạng internet.

NGUYỄN THANH