Khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”
Chủ nhật, 12/05/2024 - 06:39
Tối 11/5, tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trang trọng tổ chức chương trình Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024) và Đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.
Sân khấu hoành tráng.
Tới dự chương trình Lễ hội có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện các Tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn; các Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư tại thành phố…
Về phía lãnh đạo thành phố có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương; cùng đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nhìn lại lịch sử, Hải Phòng là nơi “đầu sóng ngọn gió”, để bảo vệ Tổ quốc, thành phố Hải Phòng luôn tự hào về truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”. Hải Phòng được biết đến từ thời Nữ tướng Lê Chân khai hoang - lập trang An Biên; Hải Phòng có dòng sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công hiển hách của cha ông ta để giành độc lập cho dân tộc.
Hải Phòng tiếp tục là địa phương “đi trước về sau”, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc trong những năm kháng chiến cứu nước; là nơi có nhiều đột phá, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đã gợi mở và góp phần với Trung ương để ban hành Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về “khoán trong nông nghiệp”. Trong nhiều năm gần đây, kinh tế xã hội của thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá, bình quân 9 năm liền GRDP đạt 12,7 %/năm.
Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là Di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết: đối với thành phố Hải Phòng, từ những năm dựng nước và giữ nước, Nhân dân Hải Phòng rất chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị văn hóa cho muôn đời sau. Hiện nay, Hải Phòng đã có 132 Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, trong đó có 2 Di tích quốc gia đặc biệt; có 21 Bảo vật quốc gia được công nhận, được xếp trong tốp đầu của cả nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng rất coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, vì văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển. Với truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng, cùng với những Di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự “trở thành động lực phát triển của cả nước”.
Năm 2024 là năm thứ 11 Lễ hội Hoa Phượng Đỏ được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh thành phố; xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế; thúc đẩy đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân Hải Phòng, kiều bào, du khách trong và ngoài nước; thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Năm nay, lần đầu tiên, Lễ hội Hoa phượng đỏ được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, thành phố Hải Phòng, nhằm khẳng định tầm nhìn, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc mở rộng không gian đô thị, dư địa phát triển mới để Hải Phòng, là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Tiếp sau nghi Lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hoá, hình ảnh, con người Hải Phòng.
Chương I mang tên “Khúc nguyệt cầm của biển”, thông qua phóng sự “Di chỉ Cái Bèo - nơi khởi nguồn của văn hóa biển Việt Nam”, hoạt cảnh “Hải Phòng tiếng vọng ngàn xưa”, cùng ca khúc “Hải Phòng trong tim”, “Đêm trăng Cát Bà” chương trình tái hiện về một vùng đất còn lưu giữ những di sản văn hóa giàu bản sắc của văn minh sông Hồng, những chiến thắng oanh liệt, khí phách oai hùng của những bậc vĩ nhân và biết bao những di sản quý giá mà Nhân dân Hải Phòng đã gìn giữ suốt ngàn đời nay.
Chương II với tên gọi “Hải Phòng - Rạng rỡ tháng năm” với các ca khúc “Bến xuân”, “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”, “Thanh âm Hải Phòng”, tiết mục nghệ thuật hiện đại “Dấu ấn thành phố Cảng”… Chương III mang tên “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” với các ca khúc “Khát khao phi thường”, “Biển hát chiều nay”, “Bật tình yêu lên”, “Bừng sáng miền di sản” thể hiện khát vọng mãnh liệt của thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới mở ra một cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố Cảng.
Tiến Thành