Nhà nước Đề Ga chỉ là sự hoang đường

Thứ ba, 12/11/2024 - 16:01

Có hay không Nhà nước Đề Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Tuyên bố thành lập Nhà nước này do ai thực hiện và ý đồ của họ là gì? Câu trả lời xét từ cơ sở lý luận về chính trị, pháp lý và từ chính thực tiễn lịch sử của dân tộc Việt Nam đã khẳng định, tuyên bố Nhà nước Đề Ga cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên chỉ là sự hoang đường.  

Sau khi vụ việc tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu, Ea Ktuh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đến nay, 100 nghi phạm đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Qua quy trình xét xử, ngày 20/01/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên đã tuyên án đối với 100 bị cáo về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “khủng bố”, “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, “che dấu tội phạm”.

Đến nay, tình hình địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã yên bình trở lại. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang băn khoăn trả lời câu hỏi: “Tại sao các đối tượng tham gia tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu, Ea Ktuh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lại manh động, liều lĩnh và hành xử vô nhân tính đến vậy?”. Thực tế đấu tranh với các đối tượng cầm đầu và các nghi phạm tham gia vụ tấn công nói trên cho thấy, hầu hết các nghi phạm tham gia do bị dụ dỗ, mua chuộc, kích động bằng lời hứa về viễn cảnh sung sướng nếu thực hiện theo sự chỉ đạo của những kẻ cầm đầu. Qua đấu tranh với những kẻ cầm đầu vụ tấn công nói trên, trên cơ sở kết quả của phiên toà xét xử ngày 20/01/2024 ở Đắk Lắk, họ đều thừa nhận hành vi phạm tội và chịu sự chỉ đạo của lực lượng phản động ở nước ngoài.

 Trở lại với câu hỏi: Có hay không Nhà nước Đề Ga độc lập ở khu vực Tây Nguyên của nước Việt Nam? Câu trả lời hết sức rõ ràng là quan điểm về Nhà nước Đề Ga độc lập theo tuyên bố của Ksor Kơk và các lực lượng phản động núp dưới vỏ bọc “Tin lành Đề ga” không có cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam.

Lý luận về nhà nước và pháp luật, nhất là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật đều nhất quán cho rằng, nhà nước là một tổ chức chính trị của xã hội, công cụ cơ bản của quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp; nhà nước ra đời trong quá trình phân công lao động xã hội và gắn với cương vực lãnh thổ quản lý. Do đó, tương ứng với các hình thái kinh tế xã hội khác nhau, là các hình thức nhà nước khác nhau và nhà nước tồn tại, hoạt động trên cơ sở bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại; nhiệm vụ của nhà nước là quản lý, điều hành toàn bộ mọi hoạt động trong đời sống xã hội bằng hệ thống pháp luật.

Đối chiếu với lý luận về nhà nước và pháp luật, chúng ta thấy rằng, việc tuyên bố thành lập Nhà nước Đề Ga độc lập năm 1999 của Ksor Kơk, cũng như tuyên truyền của tổ chức “Tin lành Đề Ga” không có sơ sở lý luận khoa học. Do vậy, quan điểm của Ksor Kơk và của tổ chức “Tin lành Đề Ga” về Nhà nước Đề Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số chỉ là lời tuyên bố suông, vì Nhà nước này không hề có bộ máy hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội, không có cương vực lãnh thổ để quản lý, nên rõ ràng đây chỉ là nhà nước dựa trên ý tưởng phi thực tế, không có tư cách pháp nhân thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại; chỉ nhằm phục vụ cho ý đồ cá nhân của Ksor Kơk và lực lượng phản động Fulro núp dưới vỏ bọc tổ chức “Tin lành Đề Ga” mà thôi, chứ không vì lợi ích cho đa số đồng bào dân tộc thiểu số.  

Về mặt chính trị, ý tưởng về Nhà nước Đề Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số chỉ là ý chí viển vông của một số phần tử được hậu thuẫn bởi Fulro, không được đa số nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên đồng tình và ủng hộ. Bên cạnh đó, Nhà nước Đề Ga cũng không có tổ chức bộ máy đại diện cho quyền lực của giai cấp nắm quyền trong đời sống xã hội, không có đường hướng chính trị rõ ràng trong vận hành và dĩ nhiên không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thực tiễn cho thấy, quyền lực nhà nước là vấn đề trung tâm của chính trị, đây là quyền lực phải được đa số quần chúng thừa nhận. Điều này được Nguyễn Minh Đoan và các cộng sự khẳng định: “Quyền lực nhà nước là một loại quyền lực công trong xã hội, do nhà nước, các cơ quan nhà nước nắm giữ và thực hiện, gắn liền với chủ quyền quốc gia, có tác động đối với tất cả tổ chức và cư dân trong đất nước trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở các quy định của pháp luật”[1].

Về mặt pháp lý, một nhà nước hoạt động trên thực tế phải có hệ thống pháp luật để quản lý, điều hành xã hội, trong đó Hiến pháp là đạo luật gốc, hiến định toàn bộ thể chế, thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, lời tuyên bố suông về Nhà nước Đê Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để tồn tại, chứ chưa nói đến sự phát triển. Do đó, nhà nước theo tuyên bố của Ksor Kơk và tuyên truyền của tổ chức “Tin lành Đê Ga” chỉ là ý chí cá nhân thuộc về thiểu số, không hề có căn cứ pháp lý nào cho sự tồn tại trên thực tế.  

Mùa Xuân năm 1930, dưới sự chỉ đạo, tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự kiện này đã mở ra chương mới trong lịch sử dân tộc, chính thức chấm dứt sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời gắn với vai trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – một Nhà nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trải qua quá trình cách mạng vô cùng gian khổ nhưng anh dũng, bất khuất, từ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, quốc gia dân tộc Việt Nam là thống nhất không phân chia, là Tổ quốc chung của 54 dân tộc anh em. Điều này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt nổi Việt Nam”[2] và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai chia cắt được”[3].

Thực tiễn còn cho thấy, xây dựng một quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay. Quan điểm này của Đảng đã được thể chế hóa vào Hiến pháp, từ bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc năm 1946, đến bản lần thứ 5 là Hiến pháp năm 2013. Các bản hiến pháp của nước ta đều khẳng định, nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều thứ 2, Hiến pháp năm 1946 hiến định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”[4]; Điều 1, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt”[5]; Điều 1, Hiến pháp năm 1980 ghi rõ: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”[6]; Điều 1, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”[7]; Điều 1, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”[8].

Theo đó, việc xây dựng một quốc gia dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lý tưởng, ý chí, nguyện vọng xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc.  Như vậy, tuyên bố thành lập Nhà nước Đề Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của Ksor Kơk và lực lượng phản động Fulro núp dưới tổ chức “Tin lành Đề Ga”, là hoàn toàn phi lý, ảo tưởng, không có cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, pháp lý và hoàn toàn bị thực tiễn lịch sử phủ nhận. Đó chỉ là lời tuyên bố hoang đường của Ksor Kơk dưới sự hậu thuẫn của tổ chức phản động ở hải ngoại, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam, làm phương hại đến mối đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Chúng ta cần nhận diện đầy đủ, qua đó lên án, đấu tranh loại bỏ, nhằm mang lại cuộc sống trong yên bình, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

TRỊNH QUỐC VIỆT

 

[1] Nguyễn Minh Đoan (chủ biên): Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.43.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.36.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.311.

[4] Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.12.

[5] Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Sđd, tr.30.

[6] Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Sđd, tr.69-70.

[7] Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Sđd, tr.126.

[8] Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Sđd, tr.195.