Cảnh giác với hành vi mạo danh quân nhân để lừa đảo
Thứ hai, 28/10/2024 - 10:53
Ngày 22/10/2024, Ban CHQS huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) nhận được thông tin từ chị Bùi Thị T chủ một nhà hàng trên địa bàn huyện về việc đơn vị có đặt 5 mâm cơm với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì hoàn toàn không có việc này.
Theo thông tin từ Nhà hàng B.A, địa chỉ tại xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn thì vào ngày 22/10/2024 nhà hàng nhận được cuộc gọi và thông tin zalo từ số điện thoại 0326859740 của một người tự xưng là Tạ Quang Chính, cán bộ hậu cần Ban CHQS huyện Lạc Sơn đặt 5 mâm cơm gồm 9 món cộng với tráng miệng, nước suối và nước ngọt với tổng trị giá 10,6 triệu đồng. 5 mâm cơm này sẽ được giao đến cơ quan quân sự huyện vào ngày 23/10/2024. Sau khi giao hàng, đơn vị sẽ thanh toán 100% cho nhà hàng bằng tiền mặt.
Thông tin mà đối tượng tự xưng là quân nhân đưa ra để mạo danh,
lừa phỉnh người dân nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tuy nhiên, theo một đại diện cơ quan Ban CHQS huyện Lạc Sơn cho biết: Quá trình thực hiện đơn đặt hàng, về phía nhà hàng đã liên lạc lại với cơ quan quân sự huyện để “chốt đơn” thì mới tá hỏa là đơn vị không cử nhân viên hậu cần để đặt cơm tại Nhà hàng B.A. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại trong đơn vị cũng không có ai đặt cơm tại nhà hàng B.A; đơn vị cũng không có cán bộ nào tên là Tạ Quang Chính. Căn cứ theo báo cáo kê mùa hàng của Ban CHQS huyện Lạc Sơn đề ngày 22/10/2024 do đối tượng chuyển cho nhà hàng thì cũng không chính xác khi Kế toán trưởng của đơn vị không phải là người tên là Lê Thị Mai; người ký duyệt mua là Chỉ huy trưởng cũng không chính xác, không phải là Thiếu tá Vũ Cao Hùng như thông tin mà các đối tượng đưa ra.
Ngay sau khi xác minh, làm rõ không có việc Ban CHQS huyện Lạc Sơn đặt cơm, về phía Nhà hàng B.A đã phối hợp với đơn vị chuyển thông tin đến cơ quan chức năng địa phương để xác minh, làm rõ. Theo lãnh đạo Ban CHQS huyện Lạc Sơn thì trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị bị các đối tượng xấu mạo danh là cán bộ quân nhân của đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Ban CHQS huyện đã tiếp, làm việc với 2 công dân là Đinh Thành Đ (SN 1993) và Hà Huy H (SN 1986) trú tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đến làm việc, đề nghị xác minh quân nhân tên là Trần Thanh Tuấn, Trực ban Ban CHSQ huyện để làm rõ việc người này có nhờ 2 anh đặt mua lợn và nhờ 2 anh chuyển khoản 10 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thì đối tượng này đã “biến mất”. Quá trình làm việc, anh Đinh Thanh Đ và Hà Huy H cho biết trước đó có một người gọi điện tự xưng là cán bộ Trực ban Ban CHQS huyện Lạc Sơn. Do có nhu cầu muốn đặt mua lợn cho cơ quan để tổ chức liên hoan nên nhờ các anh mua hộ mấy con lợn bản địa. Tin tưởng vào lời giới thiệu của đối tượng, hai anh đã tìm mua lợn của các hộ dân trong xã. Sau khi đặt lợn, đối tượng tên Tuấn còn nhờ anh Đinh Thanh Đ chuyển khoản giúp số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản do người này đưa ra. Khi nào nhận lợn sẽ thanh toán, hoàn trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản số tiền 10 triệu cho đối tượng, anh Đ và anh H không còn liên lạc được nên đã đến Ban CHQS huyện Lạc Sơn là nơi đối tượng giới thiệu cơ quan làm việc để tìm người. Theo đại diện Ban CHQS huyện Lạc Sơn, sau khi nắm bắt tình hình, tiến hành xác minh tại cơ quan và các đồng chí chỉ huy Ban CHQS các xã, thị trấn trong toàn huyện thì không có quân nhân và cán bộ nào tên là Trần Thanh Tuấn. Ban CHQS huyện đã hướng dẫn hai công dân trên đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Ngoài vụ việc trên, cũng với thủ đoạn tương tự ngày 08/9/2023, Trực ban Ban CHQS huyện Cao Phong tiếp và làm việc với chị Nguyễn P.T chủ một nhà hàng ăn uống tại phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) đến xác minh một quân nhân tên là Nguyễn Đức Anh. Qua tìm hiểu được biết, trước đó đối tượng này đã đến nhà hàng dùng Chứng minh thư QNCN có tên là Nguyễn Đức Anh (nghi là giả) liên hệ đặt 8 mâm cơm tại nhà hàng mỗi mâm là 2,2 triệu đồng và nhờ nhà hàng chuyển khoản để mua hộ 10 chai rượu vang với giá gần 2 triệu đồng/chai. Khi nào vào ăn cơm sẽ thanh toán bằng tiền mặt. Tin tưởng, nhà hàng đã chuyển 10 triệu đồng đến số tài khoản do đối tượng cung cấp để đặt cọc mua 10 chai rượu. Sau khi chị Nguyễn P.T chuyển tiền xong thì đối tượng này cũng đã “bặt vô âm tín”. Qua xác minh, Ban CHQS huyện Cao Phong không có quân nhân nào tên là Nguyễn Đức Anh và thời điểm đó Ban CHQS huyện Cao Phong không có ai đặt cơm nhà hàng nào. Sự việc đã được trình báo tới cơ quan Công an.
Theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng giả danh, mạo danh là cán bộ, quân nhân cơ quan quân sự các huyện, thành phố để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (đặt cơm, mua mật ong, mua xe đạp…). Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quân nhân trong Quân đội nói chung và LLVT tỉnh nói riêng. Do vậy, rất mong cơ quan chức năng địa phương vào cuộc sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh cũng đề nghị người dân, các cơ quan, đơn vị khi phát hiện các đối tượng giả danh, mạo danh là quân nhân của các cơ quan, đơn vị trong LLVT để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mạnh Hùng