Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bộ đội
Thứ sáu, 01/11/2024 - 09:23
Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thời gian qua, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 (Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu) luôn chủ động, linh hoạt, đổi mới về hình thức, phương pháp tuyên truyền. Nhờ đó, mỗi buổi tuyên truyền pháp luật dù có thời lượng không dài nhưng luôn để lại những ấn tượng sâu sắc, nhiều bài học bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 tổ chức phiên tòa giả định tại Kho K22
Tham dự một buổi tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật của Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 tại Kho K22 (Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu) chúng tôi ấn tượng trước phương pháp tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo. Thay bằng hình thức giảng thông thường, các nội dung trong chuyên đề được Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 truyền đạt thông qua phiên tòa giả định, xét xử tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Đánh bạc”. Các diễn biến, hành vi phạm tội được tái hiện qua video. Phần tranh tụng tại phiên tòa được cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 nhập vai vào các thành viên của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, bị cáo và nhân chứng, người bị hại,…
Với kịch bản chặt chẽ, diễn xuất chân thực, nhất là phần đối đáp nảy lửa giữa kiểm sát viên và luật sư, phiên tòa giả định giúp cán bộ, nhân viên Kho K22 hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và tính nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà phiên tòa giả định đề cập. Quan trọng hơn cả, với hình thức mới, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thêm sinh động, cuốn hút, tránh tình trạng đọc chép, khô cứng
Cuối buổi tuyên truyền, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 chủ động tiến hành lấy phiếu nhận xét, đánh giá của từng cán bộ, chiến sĩ để khảo sát phương pháp tuyên truyền mới.Đại úy QNCN Vũ Công Đồng, Thủ kho nhà kho K9, Phân kho 54 (Kho K22) cho biết: “Phiên tòa giả định giúp chúng tôi dễ nhớ, dễ hiểu và hiểu sâu hơn các quy định của pháp luật và diễn biến của một phiên tòa. Cán bộ, nhân viên trong đơn vị rất hào hứng và chăm chú theo dõi hình thức tuyên truyền mới này”.
Việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 chú trọng, coi đây là giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Mỗi cán bộ khi truyền đạt luôn cố gắng làm cho bài giảng thêm sinh động, tránh lối mòn. Tại Kho K23 (Cục Hậu cần – Kỹ thuật Quân khu), cán bộ Viện Kiểm sát Quân sự khu vực bắt đầu bài giảng bằng cách trình chiếu các hình ảnh, ví dụ minh hoạ về nguyên nhân, hậu quả của các vụ cháy, tai nạn lao động rồi mới đi vào các quy định của pháp luật. Buổi tuyên truyền cũng không nêu lại những quy định cũ, mang tính phổ thông mà các phương tiện thông tin đại chúng đã chia sẻ mà tập trung giới thiệu, phân tích những quy định mới và gợi ý để cán bộ, nhân viên Kho K23 thảo luận, đưa ra các giải pháp áp dụng vào đơn vị mình. Thiếu tá QNCN Trần Viết Lương, Thợ sửa chữa tăng - thiết giáp, Phân kho Tăng - Thiết giáp (Kho K23) chia sẻ: “Các buổi tuyên truyền không chỉ giúp chúng tôi nắm vững quy định của pháp luật mà còn góp phần định hướng, tạo ra diễn đàn để cả đơn vị thống nhất cách áp dụng vào thực tiễn và giúp mỗi cá nhân rút ra bài học, nâng cao nhận thức, tránh xảy ra vi phạm”.
Với tinh thần nỗ lực, đổi mới của cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần phòng ngừa các vụ việc vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị.
Thượng tá Đinh Thanh Phong, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 32 cho biết: “Chúng tôi luôn xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Để đổi mới hình thức tuyên truyền, chỉ huy Viện tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật. Khi xây dựng bài giảng, chúng tôi căn cứ vào từng đối tượng, từng đơn vị để lựa chọn phương pháp phù hợp. Quá trình diễn giải, cán bộ lấy ví dụ từ thực tế để gắn vào nội dung cần tuyên truyền. Khi đến đơn vị, chúng tôi đều thâm nhập thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, kết hợp định hướng, đóng góp những biện pháp cụ thể trong quản lý bộ đội, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật có thể xảy ra”.
Đinh Diệu